Nếu bạn đang là SEOer hoặc là người phụ trách xây dựng content cho toàn website thì chắc hẳn bạn đã biết hoặc nghe qua về cấu trúc Silo hoặc Topic Cluster. Đây là 2 cách sắp xếp và phân luồng hệ thống content cho toàn web rất phổ biến. Kim sẽ đề cập chi tiết về Topic Cluster là gì và cách thức triển khai Topic Cluster ra sao trong nội dung dưới đây.

Topic Cluster là gì ?

Topic Cluster dịch ra tiếng Việt là “cụm chủ đề”. Trong SEO, Topic Cluster còn được gọi là kỹ thuật “pillar và cluster”. Trong việc làm chiến lược nội dung website, Topic Cluster là giải pháp sắp xếp, phân chia hệ thống nội dung toàn website theo từng cụm chủ đề. Theo đó, một nhóm các bài viết hoặc các trang sẽ được liên kết với nhau và tập trung vào một CHỦ ĐỀ nhất định chứ không theo một từ khoá cụ thể nào.

Giải pháp này được Hubspot nghiên cứu, tìm hiểu và đề cập vào năm 2017 và cho đến nay vẫn được xem là “kim chỉ nam” của quá trình lên chiến lược nội dung lẫn SEO.

Đọc thêm: Hướng dẫn triển khai Conetent SEO cho toàn website.

Cấu trúc của Topic Cluster

Một Topic Cluster gồm 3 thành phần chính là Pillar, Cluster và liên kết nội bộ giữa chúng. Pillar và Cluster chỉ tập trung phân tích, khai thác sâu vào một chủ đề cụ thể và chúng được liên kết với nhau bằng các internal link. Trong đó:

Pillar page hay Content Pillar (trang trụ cột) là trang nội dung tổng quan về chủ đề chính. Nội dung trang pillar không cần viết chuyên sâu mà chỉ đề cập và trỏ liên kết đến các chủ đề con. Đây là cách điều hướng người đọc phải nghiên cứu/đọc thêm các bài viết chuyên sâu có giá trị và liên quan đến chủ đề chính – là các bài Cluster.

Cluster content là các nội dung được viết chi tiết, chuyên sâu theo từng chủ đề con đã được đề cập ở trang Pillar. Tất cả các bài viết này được liên kết nội bộ với nhau và cũng được trỏ về trang Pillar. Cluster content đóng vai trò làm rõ, giải thích chi tiết và chuyên sâu về các chủ đề chính trong hệ thống Topic Cluster.

Liên kết nội bộ: Các cluster content liên kết với nhau và với pillar page và đây là liên kết 2 chiều.

Ví dụ: Bạn có chủ đề “sống xanh” thì Topic Cluster sẽ như sau

  • Pillar page: Sống xanh là gì? Tổng hợp 10 giải pháp sống xanh hiệu quả nhất hiện nay.
  • Cluster content: bao gồm nhiều bài viết chuyên sâu giải đáp cho từng vấn đề cụ thể trong chủ đề trên, có thể là:
    • Sản phẩm thân thiện môi trường là gì ?
    • Sống xanh cùng ống hút xanh thân thiện môi trường
    • Các cách tái sử dụng đồ cũ dễ dàng và hiệu quả nhất
    • Tái sử dụng chai lọ mỹ phẩm như thế nào?
    • Mỹ phẩm Cruelty free là gì ? Có phải là mỹ phẩm hữu cơ không?

Lợi ích khi triển khai Topic Cluster

Thuật toán Google Hummingbird ra đời năm 2013 đã làm thay đổi cách triển khai content khi thực hiện SEO. Việc tối ưu nội dung từng trang theo từ khoá đã không còn hiệu quả như trước nữa. Do đó, giải pháp triển khai nội dung theo từng cụm chủ đề như Topic Cluster được xem là giải pháp kịp thời, kịp xu hướng update của các bộ máy tìm kiếm.

Một số lợi ích khi triển khai Topic Cluster có thể kể kế đến như sau:

Lợi ích đối với người dùng

  • Thấy được nội dung cần tìm kiếm một cách nhanh chóng
  • Pillar Page cung cấp đầy đủ từ khóa về một chủ đề. Do đó, người dùng được giải đáp mục đích tìm kiểm (thoả tiêu chí Search intent) ngay từ lần truy cập đầu tiên.
  • Dễ dàng tiếp tục tìm hiểu mở rộng hơn về sản phẩm/dịch vụ qua các bài viết liên quan khi cần.

Lợi ích của Topic Cluster với website

  • Toàn bộ content và cấu trúc website được sắp xếp theo một trình tự logic và hệ thống.
  • Giúp xây dựng authority site uy tín: Việc triển khai Topic Cluster giúp thông báo với các công cụ tìm kiếm rằng website bạn là một trang có thẩm quyền, đáng tin cậy về chủ đề/lĩnh vực đó.
  • Giúp tăng traffic vào website dẫn đến thứ hạng website được cải thiện tốt hơn (nhiều từ khoá vào TOP hơn): Triển khai topic cluster sẽ giúp website bạn lên top không chỉ một vài từ khóa, mà là hàng loạt từ khóa liên quan đến chủ đề đó. Tình trạng keyword cannibalization sẽ ít xảy ra, các cluster content hỗ trợ nhau cùng tạo ra hiệu ứng tổng thể. Khi một cluster content lên top, nó sẽ thúc đẩy tổng thể các trang còn lại tăng trưởng theo.
  • Tăng trưởng doanh thu: Bằng cách điều hướng người dùng thông qua liên kết nội bộ, người dùng từng bước tiếp cận đến sản phẩm, dịch vụ chính của bạn và dần tiến vào sâu hơn vào phễu marketing. Việc này giúp gia tăng cơ hội biến người truy cập thành khách hàng thực sự, từ đó tăng trưởng doanh thu cho doanh nghiệp.

Khi nào nên sử dụng Topic Cluster ?

Nếu như cấu trúc Silo có tính phân cấp rõ rệt thì Topic Clusters có phân cấp đơn giản hơn. Do đó, bạn sẽ không mất nhiều thời gian cho việc sắp xếp nội dung theo thứ bậc.

Tuy nhiên, có phải website nào cũng nên áp dụng Topic Cluster hay không ? Nếu bạn “thoả mãn” một số tiêu chí dưới đây thì bạn nên ưu tiên triển khai Topic Cluster cho website của bạn:

  • Website có số lượng bài viết vừa hoặc ít, hoặc
  • Đã có Website lớn, hoạt động ổn định và bạn không muốn thay đổi cấu trúc URL vì việc này sẽ tạo ra quá nhiều chuyển hướng (Redirect), không tốt cho SEO và trải nghiệm người dùng.
  • Bạn không biết cài đặt cấu trúc Silo
  • Bạn không chắc mình có ý định mở rộng website trong tương lai hay không, hoặc
  • Nếu muốn mở rộng sang các cụm chủ đề mới trong tương lai thì việc triển khai cũng dễ dàng.

Hướng dẫn triển khai Topic Cluster

Bước 1: Xác định các cụm chủ đề chính của website

Website của bạn có thể có nhiều cụm chủ đề khác nhau và tối thiểu nên có nhất 3 chủ đề lớn. Thậm chí, các topic này cũng sẽ bao gồm cả những topic cluster nhỏ hơn nữa.

Thông thường, chúng ta đều muốn tất cả các chủ đề trên website của mình sẽ được xếp hạng cao. Tuy nhiên, bạn phải căn cứ vào nguồn lực hiện có cũng như chiến lược marketing để chọn chủ đề nào cần SEO trước – là các chủ đề chủ đạo.

Tiêu chí chung để chọn chủ đề đó sẽ là:

  • Chủ đề phải cụ thể và phải có liên quan đến lĩnh vực kinh doanh hay nội dung của website bạn.
  • Chủ đề đó phải đủ rộng để bạn có thể triển khai các chủ đề con bao quát hết hết pillar page. Nghĩa là, bạn có thể triển khai tối thiểu từ 5 – 7 bài viết Cluster xung quanh Pillar page.
  • Chủ đề trụ cột có khả năng mở rộng trong tương lai hay không ?
  • Chủ đề phải đúng insight của người tìm kiếm. Để biết được insight của người dùng, bạn có thể làm ở bước nghiên cứu từ khoá tiếp theo đây.

Ví dụ: Website thuộc lĩnh vực review/chia sẻ/lan toả lối sống xanh, tiêu dùng xanh thì sẽ có 3 chủ đề chính là: Sản phẩm xanh, lối sống xanh, thương hiệu xanh.

Về Topic Cluster sản phẩm xanh, cụm chủ đề này vừa cụ thể, lại vừa đủ rộng để có thể tạo ra từ 5 đến 7 bài viết khác nhau xoay quanh chủ đề đó. Có thể là:

  1. Ống hút thân thiện môi trường
  2. Vật liệu thân thiện môi trường
  3. Mỹ phẩm hữu cơ
  4. Bàn chải tre
  5. Bông tắm xơ mướp
  6. Túi xách vải
  7. Cốc uống nước bằng tre

Bước 2: Nghiên cứu từ khoá của từng chủ đề chính

Mục đích của nghiên cứu từ khóa ở bước này là:

  • Xác định những cụm từ có liên quan đến chủ đề mà bạn đang làm nội dung.
  • Tìm ý tưởng chính cho các bài viết Cluster.
  • Xác định những từ khoá có xu hướng sử dụng nhiều nhất trên các công cụ tìm kiếm như Google, Bing, Yahoo, vv.

Để tìm được đủ số lượng từ khoá bao quát toàn bộ chủ đề chính thì bạn cần làm qua nhiều bước. Bạn nên dùng nhiều công cụ và phương pháp research để tìm ra một bộ từ khoá tổng của chủ đề đó.

Bước 3: Gom nhóm từ khoá

Gom nhóm từ khoá theo tiêu chí:

  • Từ khoá chính (chủ đề chính): thường đây là nhóm từ khoá có lượng tìm kiếm lớn nhất.
  • Từ khoá phụ (chủ đề phụ), là những từ khoá có cùng search intent với từ khoá chính nhưng lượng tìm kiếm thấp hơn.
  • Từ khoá bổ nghĩa cho chủ đề chính.T
  • ừ khoá ngữ nghĩa, là từ khoá liên quan gián tiếp đến chủ đề chính. Để tìm ra các từ khoá này, bạn cần phải có khả năng “suy luận”, mặc dù nó không chứa từ khoá chính nhưng lại có liên quan về mặt ngữ nghĩa với chủ đề chính.

Bước 4: Kiểm tra nội dung toàn website và sắp xếp theo Topic Cluster

Nếu bạn sở hữu một website mới thì hãy bỏ qua phần này. Nếu website của bạn đã có khá nhiều nội dung thì đây là bước bạn cần làm kỹ, cẩn thận. Bước này giúp bạn tận dụng dược nguồn tài nguyên sẵn có thay vì phải tốn thêm ngân sách để viết mới toàn bộ.

Bạn hãy làm theo các bước dưới đây nhé:

  • Bước 1: Lọc toàn bộ nội dung trên website, bao gồm các bài viết của chuyên mục blog/tin tức, các trang dịch vụ, ….
  • Bước 2: Sắp xếp, phân loại bài viết vào từng Topic tương ứng đã được làm ở các bước trên. Nếu nội dung đã có không phù hợp với Topic bạn đã chọn thì hãy biên tập, chỉnh sửa lại sao cho phù hợp với search intent của người dùng.

Bước 5: Chọn từ khóa để viết nội dung mới

Sau khi kiểm tra và sắp xếp lại nội dung đã có trên website thì bạn đã có thể chọn từ khoá để viết thêm các bài chuẩn SEO. Khi chọn từ khoá, bạn cần chọn theo các tiêu chí sau:

    1. Chọn theo nhóm từ khóa đã được gom nhóm ở bước 4.
    2. Chọn theo mức độ ưu tiên vì nguồn lực của bạn luôn bị giới hạn. Các mức độ ưu tiên như sau:
    • Nhóm từ khóa liên quan trực tiếp tới sản phẩm, dịch vụ (như tên sản phẩm, bảng giá, các dòng sản phẩm…) thay vì nhóm từ khóa thông tin.
    • Từ khoá chuyển đổi cao.
    • Từ khoá có lượng tìm kiếm cao.

Bước 6: Viết nội dung cho Pillar và Cluster

Nội dung của trang Pillar và các Cluster phải đảm bảo các tiêu chí sau:

Nội dung pillar page

Pillar page có độ dài từ 3000 đến 5000 chữ. Nội dung của pillar page phải bao quát hết tất cả các cluster content chứa trong nó nhưng chỉ dừng ở mức giới thiệu qua từng mục chứ không đề cập chi tiết.

Nội dung các bài cluster

  • Tập trung giải quyết một vấn đề cụ thể
  • Làm rõ nghĩa của chủ đề chính
  • Bài viết chuẩn SEO target một số từ khóa nhất định mà bạn mong muốn thúc đẩy lên top
  • Độ dài từ 1000 đến 2000 chữ

Một mẹo nhỏ là bạn hãy viết các bài cluster content trước, rồi mới đến pillar.

Bước 7: Liên kết các nội dung với nhau

Một bước không thể thiếu là liên kết nội bộ trong Topic Cluster. Bước này để đảm bảo các nội dung được sắp xếp logic, nhất quán với nhau theo chủ đề nhất định. Đồng thời, cũng là một cách để thông báo với các bộ máy tìm kiếm (Google) rằng đây là một chủ đề cụ thể, chuyên sâu đang có trên website của bạn.

Các cluster content liên kết không chỉ với trang pillar page mà còn tự liên kết với nhau. Lưu ý rằng, đây là ác liên kết này là liên kết 2 chiều. Điều này đồng nghĩa là Pillar page cũng nên có liên kết đến từng cluster (cụm nội dung con) đó.

Bước 8: Theo dõi và phân tích các chỉ số

Cũng giống như mọi chiến lược marketing khác, kết quả tốt nhất luôn cần được đầu tư về thời gian và công sức. Để thấy được sự thay đổi/kế quả khi triển khai content theoTopic cluster, bạn phải chờ đợi ít nhất từ 1 – 2 tháng. Khi có kết quả, bạn hãy tiến hành phân tích và tối ưu xem trang nào hoặc topic cluster nào đang hoạt động tốt nhất, trang nào cần phải tối ưu lại để xếp hạng tốt hơn.

Các mục cần theo dõi bao gồm:

  • URL từng trang, bài viết
  • Từ khóa biến đổi thế nào
  • Các liên kết nội bộ có hoạt động không ? thống kê toàn bộ internal link.
  • Thống kê outlink trong từng trang

Lời kết

Có thể thấy rằng, triển khai viết, sắp xếp, cấu trúc nội dung toàn website theo Topic Cluster khá đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao. Khi chú trọng phát triển content theo cụm chủ đề, bạn đã giúp người dùng tìm được giải đáp nhanh chóng cho truy vấn của họ. Đồng thời, điều hướng công cụ tìm kiếm quét qua website dễ dàng. Như vậy là bạn cũng đã biết Topic Cluster là gì. Kim hy vọng bài viết này hữu ích với bạn.

Cảm ơn bạn thiệt nhiều vì đã truy cập blog của Kim và đọc bài viết này (^.^)

Đây là Blog cá nhân, đồng thời cũng là "nơi làm việc" của Kim - Freelance Content Writer. Kim nhận viết bài PR và sản xuất hệ thống nội dung bài bản, chuẩn SEO cho website đa dạng lĩnh vực. Cảm ơn bạn đã dành thời gian ghé thăm Blog của Kim.