Mình theo đuổi triết lý của Chủ nghĩa khắc kỷ, tuy chưa hẳn là một Stoic “kỳ cựu” nhưng mình đã và đang thực hành theo lối sống của trường phái triết học này một cách rất tự nhiên. “Chủ nghĩa khắc kỷ – Phong cách sống bản lĩnh và bình thản” của William B.IRVine chính là cuốn sách đầu tiên mình đọc kỹ về Stoicism và nó đã khơi gợi niềm yêu thích của mình dành cho trường phái này.
Cuốn sách này dành cho ai ?
- “Chủ nghĩa khắc kỷ – Phong cách sống bản lĩnh và bình thản”
(1) Những người đang đi tìm cho mình một triết lý sống để theo đuổi và thực hành. Chủ nghĩa Khắc kỷ là một triết lý mang tính tham khảo cho bạn trong trường hợp bạn đang phân vân giữa nhiều lựa chọn hoặc chưa thực sự hiểu mục tiêu quan trọng nhất của đời mình là gì. Nói như William IRVine “Một mục tiêu lớn lao trong đời là yếu tố cấu thành một triết lý sống. Nếu bạn không có một mục tiêu lớn lao trong đời, tức là bạn không có một triết lý sống chặt chẽ”. Và sự thật là bất kể bạn chọn tuân theo triết lý sống nào thì bạn cũng sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn so với không có một triết lý sống nhất quán.
(2) Những người đã và đang thực hành triết lý sống của Chủ nghĩa Khắc kỷ. Cuốn sách sẽ giúp bạn suy ngẫm lại hành trình Khắc kỷ của mình bởi suy ngẫm cũng chính là một phần của triết lý này.
(3) Những ai yêu thích triết học và việc đọc. Quả thật, với người yêu thích triết học thì đọc sách không chỉ là một sở thích mà đã “nâng cấp” lên thành một lối sống. Cuốn sách này xứng đáng có một vị trí trong tủ sách của bạn.
“Giải oan” hiểu lầm cơ bản về Chủ nghĩa Khắc kỷ
- “Giải oan” hiểu lầm cơ bản về Chủ nghĩa Khắc kỷ
Nếu chỉ nhìn vào mặt chữ “khắc kỷ” chắc hẳn bạn sẽ liên tưởng đến một điều gì đó hơi hướng tiêu cực, như là một lối sống hà khắc, khổ hạnh và lãnh đạm. Nhiều người thậm chí còn cho rằng các nhà Khắc kỷ là những người sống kìm nén mọi cảm xúc và sống đời tẻ nhạt. Những định kiến sai lầm này quả là một “nỗi oan” cho các Stoic.
“Mục tiêu của Chủ nghĩa Khắc kỷ không phải là kìm nén cảm xúc ra khỏi cuộc sống mà là loại trừ những cảm xúc tiêu cực. Các nhà Khắc kỷ cho rằng việc hưởng thụ những thứ tốt đẹp mà cuộc đời mang đến chẳng có gì là sai trái, miễn là chúng ta thận trọng trong cách tận hưởng chúng. Cụ thể là chúng ta phải sẵn sàng từ bỏ những điều tốt đẹp không một chút tiếc nuối nếu hoàn cảnh của chúng ta thay đổi”.
Chủ nghĩa Khắc kỷ đưa ra lời khuyên để có được một cuộc sống tốt đẹp là “hãy sống đức hạnh”. Và nhiều người thường liên tưởng đến hình ảnh của nữ tu khi đọc được hai chữ này.
Đối với các nhà Khắc kỷ, đức hạnh của một người phụ thuộc vào sự ưu việt của họ trong vai trò của một con người – họ có thực hiện tốt các chức năng đã được định sẵn cho con người hay không. Lối sống này còn được gọi là “sống thuận theo tự nhiên” nhưng có sự tham dự của lý trí. Như Seneca đã nói “về cơ bản, chúng ta sử dụng khả năng suy luận để loại bỏ “tất cả những gì gây kích thích hoặc sợ hãi”. Điều này dẫn đến sự bình thản bất khả xâm phạm và tự do vĩnh viễn”.
Đây là một triết lý sống hướng con người đến một cuộc sống ý nghĩa và trọn vẹn bằng cách theo đuổi sự bình thản và duy trì trạng thái này bền vững nhất có thể. Để đạt được điều này bạn phải thực hành một số kỹ thuật tâm lý đã được các nhà Khắc kỷ phát triển.
Các kỹ thuật tâm lý để duy trì sự bình thản
Trong cuốn sách, tác giả đã mô tả khá chi tiết các kỹ thuật tâm lý đã được các nhà Khắc kỷ phát triển nhằm đạt được và duy trì sự bình thản, đồng thời sử dụng những kỹ thuật này vào đời sống hàng ngày.
(1) Tưởng tượng tiêu cực
Các nhà Khắc kỷ khuyên chúng ta dành thời gian tưởng tượng rằng bản thân mất đi những thứ mà mình quí trọng, ví dụ như ta bị mất việc hoặc nghĩ vê cái chết. Lí giải cho việc này là để:
- Chúng ta trân trọng những gì mình đang có và tận hưởng cuộc sống trọn vẹn hơn.
- Nhằm ngăn chặn những tiêu cực có thể xảy ra bằng cách lên kế hoạch ngăn nó xảy ra.
- Giảm bớt tác động của chúng đến bản thân chúng ta khi chúng xảy ra.
- Giúp chúng ta học cách thoả mãn với cuộc sống của mình thay vì cứ mãi theo đuổi những thứ mới liên tục.
(2) Phân loại các yếu tố trong cuộc sống dựa theo quyền kiểm soát
- Chủ nghĩa Khắc kỷ phân loại các yếu tố trong cuộc sống dựa theo quyền kiểm soát
Epictetus đã đưa ra sự lưỡng phân của quyền kiểm soát, cụ thể là “mọi “thứ” ta gặp phải trên đời đều rơi vào một và chỉ một trong 3 mục sau:
Mục | Ví dụ | Lời khuyên của Epictetus |
Những thứ ta có toàn quyền kiểm soát | Những mục tiêu đặt ra cho bản thân, những giá trị của bản thân | Nên quan tâm đến những thứ này |
Những thứ ta có hoàn toàn không thể kiểm soát | Mặt trời có mọc vào ngày mai hay không | Không nên quan tâm tới những thứ này |
Những thứ ta có thể kiểm soát một phần | Ta có thể thắng trận đấu quần vợt hay không | Nên quan tâm tới những thứ này nhưng cần cẩn trọng nội tại hoá những mục tiêu đề ra cho bản thân |
Phần lớn những thứ xảy ra trong cuộc sống đều là những thứ ta có thể kiểm soát một phần, thế nên các nhà Khắc kỷ thường sẽ rất thận trọng khi nội tại hoá mục tiêu cho bản thân thay vì tập trung vào mục tiêu bên ngoài. “Mục tiêu của họ không phải là thay đổi thế giới mà là làm hết sức mình để mang đến những thay đổi nhất định. Ngay cả khi nỗ lực của họ tỏ ra không hiệu quả, họ vẫn có thể cảm thấy thanh thản vì biết rằng họ đã đạt mục tiêu của mình: Họ đã làm những gì có thể”. Do đó, các nhà Khắc kỷ sẽ tránh được nhiều nỗi thất vọng và chán chường.
(3) Tin vào Thuyết vận mệnh quá khứ và hiện tại
Cả Seneca, Epictetus và Marcus hay phần lớn các triết gia Khắc kỷ đều tin vào Thuyết vận mệnh và khuyên chúng ta nên thuận theo vận mệnh. Cụ thể là tin vào thuyết vận mệnh quá khứ và hiện tại. Bởi quá khứ không thể thay đổi và nếu chúng ta định nghĩa “hiện tại chính là khoảnh khắc này” thì chúng ta cũng không thể tác động đến hiện tại thông qua hành động của mình. Ngay khi tôi hành động để ảnh hưởng đến những điều đang diễn ra thì ngay lúc này, khoảnh khắc đó sẽ trôi vào quá khứ và do đó không thể bị ảnh hưởng được.
Các nhà Khắc kỷ cho rằng cách tốt nhất để đạt được sự thoả mãn không phải là cố gắng thoả mãn bất cứ ham muốn nào nảy sinh trong chúng ta, mà là học cách bằng lòng với cuộc sống hiện tại – học cách trở nên vui vẻ với bất cứ thứ gì chúng ta nhận được.
Lời khuyên này hoàn toàn nhất quát với lời khuyên trước – rằng chúng ta không nên bận tâm đến những thứ mà chúng ta không thể kỉểm soát bởi quá khứ và hiện tại (nếu như định nghĩa hiện tại là khoảnh khắc này) là thứ chúng ta không thể kiểm soát được.
(3) Tự tiết chế bản thân – ứng phó với mặt tối của lạc thú
- Chủ nghĩa Khắc kỷ dạy ta tự tiết chế bản thân – ứng phó với mặt tối của lạc thú
Đây là kỹ thuật mở rộng của kỹ thuật “tưởng tượng tiêu cực”: Bên cạnh việc suy ngẫm về những chuyện tồi tệ sẽ xảy ra, đôi lúc ta nên sống như thể chúng đã xảy ra rồi. Nghĩa là chúng ta nên định kỳ “thực hành sống kham khổ” bằng cách chủ động tạo ra chúng và trải nghiệm những sự bất tiện mà chúng ta dễ dàng tránh được.
Việc làm này không phải là để hành hà bản thân mà là để tận hưởng cuộc sống hơn vì theo các nhà Khắc kỷ, họ ủng hộ hành vi tự nguyện chịu khổ chứ không phải hành vi chịu khổ nhằm gây hại cho bản thân.
3 lợi ích thu lại từ hành vi này:
- Tôi luyện bản thân chống lại những tai hoạ có thể giáng xuống trong tương lai. Đây có thể được coi là một loại vac-xin để cơ thể hình thành khả năng miễn dịch.
- Sự chịu khổ hiển hiện ngay lúc này chứ không phải chờ đến tương lai, góp phần bồi đắp thêm niềm tin anh ta có thể vượt qua được những khó chịu lớn hơn ở tương lai, tôi luyện cho bản thân trở nên can đảm.
- Giúp chúng ta trân trọng những gì mình sẵn có.
Ngoài ra, các nhà Khắc kỷ cũng khuyên chúng ta định kỳ “thực hành bỏ qua cơ hội hưởng thụ lạc thú”. Theo Marcus “nếu chúng ta không thể cưỡng lại lạc thú thì rốt cuộc chúng ta sẽ trở thành nô lệ”.
(4) Suy ngẫm – quan sát bản thân thực hành Chủ nghĩa Khắc kỷ
Seneca khuyên chúng ta nên định kỳ suy ngẫm về những sự kiện trong cuộc sống thường ngày, cách chúng ta đã phản ứng với những sự kiện đó, và cách chúng ta nên phản ứng với chúng dựa theo nguyên tắc Khắc kỷ.
Lợi ích khi thực hành theo triết lý của Chủ nghĩa Khắc kỷ
- Lợi ích khi thực hành theo triết lý của Chủ nghĩa Khắc kỷ
Lí do quan trọng nhất của việc có một triết lý sống là nếu thiếu nó, chúng ta có nguy cơ sống lỗi – rằng chúng ta sẽ bỏ cả cuộc đời mình để chạy theo những mục tiêu phù phiếm hoặc theo đuổi những mục tiêu đáng giá nhưng theo cách dại dột và vì thế không đạt được chúng.
Thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ không dễ và cần nhiều nỗ lực. Tuy nhiên, việc không thực hành nó sẽ còn tiêu tốn nhiều nỗ lực hơn vì có một triết lý sống, dù là Khắc kỷ hay những triết lý khác thì sẽ giúp đơn giản hoá đáng kể cuộc sống hàng ngày.
Con người không thể thuần thục Chủ nghĩa Khắc kỷ trong một sớm một chiều và cho dù thực hành nó cả đời thì chúng ta cũng khó lòng thuần thục được nó một cách hoàn hảo. Tuy nhiên luôn có chỗ cho sự tiến bộ. Như:
- Khi thấm nhuần Chủ nghĩa Khắc kỷ, chúng ta nhận thấy rằng mối quan hệ của mình với người khác đã thay đổi. Chúng ta không bị tổn thương hoặc bỏ qua những lời lẽ xúc phạm, miệt thị của họ cũng như lời khen của họ dành cho mình. Hay nói cách khác, chúng ta sẽ dần dần không quan tâm đến ý kiến của người khác về mình.
- Chúng ta sẽ ngừng đổ lỗi, chê bai và khen ngợi người khác. Chúng ta thôi huyênh hoang về kiến thức của mình cũng như biết cách chịu trách nhiệm chứ không đổ lỗi cho hoàn cảnh bên ngoài.
- Chúng ta hành động nhiều hơn là nói.
- Đời sống cảm xúc của chúng ta có sự thay đổi, chúng ta ít trải nghiệm cảm xúc tiêu cực hơn, ít dành thời gian mong ước mọi chuyện khác đi mà thay vào đó tận hưởng mọi thứ trong hiện tại.
Thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ trong đời sống hàng ngày
Phần mang tính ứng dụng nhất trong cuốn sách có lẽ là cách để trở thành người Khắc kỷ. Phần này tác giả không miêu tả chỉ trong 1 chương nào đó nhưng theo cá nhân mình nó nằm ở phần ba “lời khuyên của các nhà Khắc kỷ”.
Tác giả giải thích rất rõ ràng, cụ thể và đưa ra các ví dụ mình hoạ theo từng lời khuyên của các nhà Khắc kỷ đối với các khía cạnh cụ thể trong đời sống hàng ngày, như:
- Bổn phận về tình yêu thương nhân loại
- Quan hệ xã hội về việc ứng xử với người khác
- Vượt qua những hành vi xúc phạm
- Vượt qua sự đau buồn bằng lí trí
- Cơn giận – vượt qua tâm thế phản đối niềm vui
- Bàn về việc theo đuổi danh vọng
- Bàn về cuộc sống xa hoa
- Bàn vể tuổi già, về việc bị gửi vào viện dưỡng lão
- Bàn về cái chết – sự kết thúc êm đẹp cho một cuộc đời viên mãn.
Các nhà Khắc kỷ cũng khuyên rằng, để trở thành người Khắc kỷ thì nên làm điều này một cách âm thầm để tránh gấy sự chú ý, chế giễu hay phiền hà từ người khác. Thời điểm tốt nhất để thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ là nên bắt đầu ngay và luôn vì thời gian rất quí giá, không thể trì hoãn việc luyện tập.
Sự tương đồng giữa Đạo Phật và Chủ nghĩa khắc kỷ
- Giữa Đạo Phật và Chủ nghĩa khắc kỷ có nhiều sự tương đồng
Trong khuôn khổ bài review cuốn sách này thì mình chỉ nêu ra một số điểm tương đồng cơ bản giữa Chủ nghĩa Khắc kỷ và Phật Giáo chứ không phân tích sâu hơn. Có lẽ mình sẽ dành riêng một bài viết cho chủ đề này.
Chủ nghĩa Khắc Kỷ và Phật Giáo có thời gian và địa điểm ra đời cách biệt nhau rất lớn, dù vậy cả 2 đều có những điểm tương đồng “đáng kinh ngạc”, nhất là với một người vừa mới tìm hiểu như mình thì sự “khám phá” về điểm tương đồng này khiến mình rất phấn khích và cảm thấy thực sự biết ơn.
Chủ nghĩa Khắc kỷ và Phật Giáo đều khuyên chúng ta đi tìm hạnh phúc từ bên trong mỗi người, đó là thứ hạnh phúc nội tại và bền vững, không bị phụ thuộc vào các yêu tố thăng trầm bên ngoài. Những lời khuyên của Chủ nghĩa Khắc kỷ và những lời răn dặn trong Phật Giáo đều hướng đến mục đích sau cùng là giúp bạn trở nên một người điềm tĩnh, thông thái và an nhiên.
Chủ nghĩa Khắc kỷ và Phật Giáo đều đề cập đến tính vô thường của mọi sự mọi vật, khuyên chúng ta biết cách sống thuận theo tự nhiên và chấp nhận mọi thứ xảy ra với cuộc sống của chính mình, tận hưởng và trân trọng những gì đang có mà không bám chấp vào nó.
Một sự tương đồng thú vị khác là cả Chủ nghĩa Khắc kỷ và Phật giáo đều khuyên chúng ta trân trọng “khoảnh khắc hiện tại” bởi “đó là “những gì mà chúng ta sỡ hữu”. Vì thế hãy sống ở khoảnh khắc này, trọn vẹn với nó như thể là “giây phút cuối cùng” của đời mình.
Lời kết
Đây là một quyển sách rất đáng đọc và Kim đã lí giải lí do ở phần đầu của bài viết. Kim xin trích một đoạn trong cuốn sách để thay cho lời kết “sự ngu xuẩn thực sự là sống cả đời trong trạng thái bất mãn do chính mình tạo ra, trong khi bản thân có quyền được lựa chọn. Có thể thoả mãn với những điều nhỏ bé không phải là một nhược điểm, mà là một phúc phận – nếu điều bạn đang tìm kiếm là sự thoả mãn”.
Kim có review nhiều quyển sách rất hay khác thuộc nhiều thể loại, bạn có thể tìm đọc thêm tại chuyên mục REVIEW SÁCH HAY nha.
Cảm ơn bạn đã truy cập vào website và đọc bài viết này (^.^)