Sách “Khám phá nghề biên tập” của tác giả, nhà báo Ngọc Trân được Kim mua từ khoảng 2 năm trước nhưng bây giờ Kim mới có dịp đọc lại. Lí do là bởi Kim cảm thấy hứng thú với việc tìm hiểu về nghề biên tập.

“Viết dạo” cũng có nhiều thú vui rất đời, rất ngẫu hứng nhưng sau một thời gian trải nghiệm thì Kim dần nhận ra mình cần phải tìm hiểu sâu hơn về nghề này.

Vậy nếu chưa có đủ điều kiện để theo học một khoá học chuyên nghiệp về nghề biên tập thì phải làm thế nào? Với Kim, Kim sẽ bắt đầu ngay tại nơi mình đang đứng, tận dụng những gì mình đang có và làm mọi thứ trong khả năng của mình ở thời điểm hiện tại. Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu làm điều mình muốn phải không ạ ?

Và đó là lí do vì sao Kim viết bài review này như một cách giúp mình định hướng rõ hơn về con đường sự nghiệp mong muốn của bản thân, và cũng là cách “học” về nghề một cách gián tiếp. Nếu bạn cũng có hứng thú về nghề biên tập như Kim thì bài viết này có lẽ phù hợp với bạn.

Biên tập viên – họ là ai ?

Kim đã từng tra cứu trên mạng vài lần về nghề biên tập để tìm đơn vị chính thống đào tạo nghề này. Đa số thông tin Kim tìm thấy đều “nghiêng” về nghề dạy viết báo, trong đó có liên quan một chút đến công việc biên tập.

Theo nhà báo Ngọc Trân, thông thường lãnh đạo các tờ báo sẽ chọn các phóng viên lâu năm, viết tốt cho vị trí biên tập viên. Sau đó những biên tập viên “tay ngang” này sẽ được chỉ dẫn thêm một số quy định về biên tập. Và cứ thế, nghề dạy nghề.

Biên tập viên là người chịu trách nhiệm rà soát, hoàn thiện nội dung và hình thức bản thảo để xuất bản. Họ dành phần lớn thời gian để đọc nhưng là đọc để biên tập chứ không phải đọc để giải trí hay lấy thông tin theo cách thông thường.

Khi đọc báo, đọc tin, đọc truyện, đọc tiểu thuyết,… phần lớn chúng ta mặc nhiên chấp nhận những dữ kiện và thông tin được trình bày là “chính xác”, là “đáng tin cậy”. Nhưng khi đọc để biên tập thì bạn buộc phải trở nên khó tính hơn, khắt khe hơn với từng con chữ và nội dung của văn bản.

Khi đó, bạn sẽ khó mà thoải mái khi đọc thấy tên họ của một nghệ sĩ nào đó bị viết sai, những lỗi chính tả cũng như cách hành văn thiếu logic cũng khiến bạn phải “nhíu mày”. “Người biên tập trong bạn” thường lên tiếng trong quá trình đọc và “người ấy” liên tục đòi hỏi về tính chính xác của thông tin, tìm lỗi sai chính tả, chọn lọc và ghi chép thông tin “đắt giá”, v.v…

Nhưng không đơn giản chỉ là người… soi lỗi văn bản. Công việc của biên tập viên khá đa dạng và phức tạp, bao gồm từ việc nghe ngóng tin tức, lựa chọn đề tài, làm việc với phóng viên, cho tới sửa bài, chỉ dẫn trang… do đó, biên tập viên không hẳn là một nghề mà là một vị trí hoạt động, xuất hiện trong các lĩnh vực như Báo chí, Truyền hình, Xuất bản…

Hễ có người viết thì có người biên tập. Có thể ví biên tập viên như là “người gác cổng” về tin tức, các ấn phẩm hay văn bản muốn được xuất bản thì phải nhận được sự đồng ý từ “người gác cổng” này.

Mặc nhiên, người biên tập viên phải là người có hiểu biết sâu rộng về ngôn ngữ, ít nhất trong lĩnh vực mình biên tập. Họ cũng giỏi về ngữ pháp, viết đúng chính tả và dấu câu. Tuy nhiên, sự chuyên nghiệp của một biên tập viên thực thụ chưa dừng lại ở đó. Ngoài việc sở hữu những kỹ năng “sắc bén” để hỗ trợ tốt cho công việc thì biên tập viên cần rất nhiều tố chất khác.

Tác giả Ngọc Trân đã lần lượt trình bày những điểm tựa biên tập viên thường dựa vào để làm việc, như hiểu độc giả, rành tin tức, sử dụng ngôn ngữ nhuần nhuyễn. Trong đó, tác giả “đặc biệt” dành nhiều trang tập trung vào độc giả và tầm quan trọng của họ đối với việc biên tập. Độc giả là người dùng cuối của văn bản và họ không giống biên tập viên. Do đó, biên tập viên giỏi phải hiểu được nhu cầu của họ.

Vậy nên, nghề biên tập quả thật không dễ dàng, nhưng không có gì có thể làm khó được một biên tập viên chuyên nghiệp. Bạn sẽ tìm thấy nội dung này trong chương 2 của sách.

Ai nên đọc sách “khám phá nghề biên tập” ?

Sách “khám phá nghề biên tập” được nhà báo Ngọc Trân viết dựa trên nguyên tắc “bất cứ ai cũng có thể bước vào nghề biên tập, nếu viết tiếng Việt tốt. Đương nhiên, người đó phải yêu công việc và chuyên cần học tập”.

Sách mang tính học thuật nhằm mục đích hướng đến việc thực hành chứ không chỉ là lý thuyết suông. Nó gồm nhiều phần, từ tổng quan về nghề, nhiệm vụ của người biên tập cho đến các hướng dẫn cụ thể về việc viết lách và biên tập.

Người biên tập được nói đến ở đây là các biên tập viên văn bản tại tờ soạn báo ngày, ví dụ như Thanh Niên hay Tuổi Trẻ. Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân của Kim thì kiến thức trong sách phù hợp với cả những bạn đang làm biên tập viên cho các báo mạng, trang web hay chỉ là viết lách thông thường, miễn là bạn yêu thích con chữ, và tất nhiên cả việc viết lách nữa.

Đạo đức nghề nghiệp của nghề biên tập

Cũng như bao nghề chân chính khác, nghề báo, nghề biên tập cũng phải có đạo đức. Theo cách nghĩ thông thường, đạo đức là một bộ phận của triết học dựa vào lý trí để thiết lập sự phân biệt giữa thiện và ác, đúng và sai nhằm đưa ra nguyên tắc tổng quát để xếp loại, đánh giá các hành động và hướng dẫn cách hành xử.

Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng đơn giản hay trắng đen rõ ràng và đạo đức chủ yếu mang tính riêng tư. Bạn có các tiêu chuẩn, giá trị cá nhân và cách hành xử mà bạn cho là đúng. Nhờ đó mà bạn có thể không ngần ngại khi nói rằng mình muốn viết, biên tập đúng sự thật hay không nhận phong bì để đăng hoặc không đăng bài viết nào đó.

Sự chính xác trong tin tức cũng là vấn đề đạo đức. Joseph Pulitzer – một nhà báo nổi tiếng – đã nói “sự chính xác đối với một tờ báo cũng giống như tiết hạnh đối với một người phụ nữ”.

Tác giả Ngọc Trân không bàn sâu về chủ đề “đạo đức nghề nghiệp của người biên tập” mặc dù tác giả đã dành hẳn chương số 6 cho nó. Thay vào đó, tác giả chỉ viết chung chung hoặc trích dẫn những khái niệm của triết học liên quan đến đạo đức.

Ý kiến cá nhân của Kim thì chương số 5 “công bình trong tin tức” cũng có nội dung liên quan đến đạo đức nghề biên tập. Công bình tức là không thiên vị, không định kiến, không thành kiến, không chia phe phái hay cố tình định hướng dư luận mà phải có sự công tâm. Công bình buộc nhà báo, người làm nghề biên tập phải đối xử với nhiều phía liên quan đến sự kiện giống nhau và để họ được quyền lên tiếng.

Mặc dù rất khó để có sự khách quan tuyệt đối nhưng điều bạn cần làm là cố gắng tìm đến sự công bình, không thiên vị khi trình bày hoặc biên tập tin tức. Ví dụ, không để sự thiên vị – lắm khi chỉ vì muốn bài thêm giật gân (do có sự công kích) – xuất hiện.

Theo tác giả, sự công bình trong nghề báo hay nghề biên tập còn thể hiện trong các khía cạnh sau:

  • Nguồn tin của bài viết phải chuẩn, không lệch nguồn. Nhiều phóng viên có xu hướng chỉ tìm ở nguồn họ tin hay có thiện cảm nhằm phục vụ cho ý đồ riêng nào đó. Trong trường hợp này ,hãy đề nghị phóng viên/người viết tìm thêm nguồn tin hoặc các quan điểm khác.
  • Không chia phe. Hãy cẩn thận với loại bài chia phe. Cần phải để quan điểm chính đáng được lên mặt báo, đặc biệt với các vấn đề gây tranh cãi hay các sự kiện nhạy cảm. Nói cách khác, hãy có sự tiếp cận ở cả hai phía . Hoặc khi cần thiết, nhà báo, người biên tập cũng phải chia phe nhưng nên dành sự chia phe này trong các bài xã luận, ý kiến, phân tích trong đó khen chê, ủng hộ cái tốt, chống cái xấu được trình bày một cách rõ ràng và sâu sắc.
  • Không bình luận trong bài tin. Phóng viên thích bình luận, ngay cả khi chưa đủ căn cứ, có khi họ bình luận rất vô ý. Bổn phận của biên tập viên là không nên để cho các ý kiến phán xét được xuất hiện trong các bài tin.
  • Cần chừng mực.
  • Không đánh giá bằng từ ngữ vì nhiều từ ngữ thường mang tính bình phẩm. Biên tập viên nên sửa lại, theo kiểu trích dẫn gián tiếp, tức là không dùng nguyên văn lời lẽ của nguồn tin vì những từ ngữ có thể gây đau đớn hoặc gây tranh cãi, hiểu lầm.
  • Không xem thường người khác. Đừng để cho phóng viên, người viết sử dụng cách viết phân biệt đối xử, phân biệt chủng tộc, giới tính, tuổi tác, vùng miền,…

“Khám phá nghề biên tập” – “Tip” hay dành cho biên tập viên

Trong các chương cuối của sách, tác giả trình bày rất nhiều kiến thức hữu ích từ những trải nghiệm thực tế của mình. Đó là cách mà biên tập viên có thể hỗ trợ thực tập sinh trong việc viết lách hay một số quy trình thực tế và hữu ích trong nghề làm báo, như quy trình xử lý bài vở, quy trình viết lách. Theo tác giả, muốn biên tập giỏi thì phải viết tốt.

Giúp người gặp khó khăn trong viết lách

Tác giả dành phần này nhằm gợi ý cho biên tập viên cách hỗ trợ những người đến toà soạn mình học nghề báo, nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu và như thế nào. Phần này rất hữu ích cho các bạn “newbie” mới chập chững vào nghề báo hay các bạn mới viết lách.

Ngọc Trân đã trình bày tuần tự 3 bước để viết lách trong nghề báo, đó là:

  1. Tìm ý tưởng (ít được người mới vào nghề quan tâm rèn luyện)
  2. Nguồn tin (người mới vào nghề hay lúng túng)
  3. Đảm bảo bài đầy đủ thông tin (người cũ, người mới gì cũng đều gặp khó khăn)

Quy trình viết lách

Để biên tập nội dung, nên xét bài một cách tổng thể chứ không xét từ ngữ hoặc câu cú một cách riêng rẻ. Biên tập viên có thể đặt ra 3 câu hỏi khi biên tập, đó là:

  1. Bài có trọng tâm không?
  2. Phần mở đầu có tốt không?
  3. Bố cục của bài đã hợp lý chưa?

Việc biên tập sẽ dễ dàng hơn nếu bạn xem viết lách như một quy trình, gồm những bước:

  1. Tìm ý tưởng
  2. Tìm thông tin
  3. Tạo trọng tâm (tìm ý chủ đạo, ý chính gắn kết nhiều thông tin lại với nhau trong một bài). Bài có trọng tâm sẽ thu hút độc giả và trả lời cho câu hỏi quan trọng của họ: “Tại sao tôi phải đọc bài này?”)
  4. Tạo trật tự (bố cục bài viết)
  5. Tạo viết nháp
  6. Tiếp tục viết

Với mỗi chủ đề nhỏ, tác giả trình bày khá cụ thể để người đọc dễ hình dung, dễ áp dụng. Nếu bạn là người đã có chút kinh nghiệm trong viết lách thì có một số hướng dẫn không phải là mới hoàn toàn. Tuy nhiên bạn vẫn có thể học hỏi được rất nhiều nếu đứng ở góc độ là phóng viên, nhà báo và biên tập viên làm việc trong các toà soạn báo.

Quy trình xử lý bài vở

Đây là quy trình di chuyển và xử lý bài viết trong một toà soạn báo giấy mà biên tập viên cần nắm vững để có thể làm việc cùng với đồng nghiệp.

Trong một số bài báo, ví dụ như báo Tuổi Trẻ, việc di chuyển bài được thực hiện bằng phương tiện điện tử, và việc biên tập bài cũng bằng máy tính. Còn ở những tờ báo chưa quen với kỹ thuật mới, biên tập viên sẽ sửa bài bằng bút và chuyển bài bằng tay. Ngày nay, đa số toà soạn đều đã áp dụng công nghệ vào quy trình xử lý bài vở.

Theo tác giả, đường đi của một bài báo như sau:

  1. Phóng viên hoặc biên tập viên tìm ý tưởng để ra bài. Biên tập viên quyết định ra bài ngay hay viết sau để đào sâu, tìm thêm thông tin.
  2. Phóng viên thu thập thông tin và viết bài, sau đó chuyển cho biên tập viên.
  3. Biên tập viên biên tập bài, có thể quyết định ngay số chứ và chỗ của bài trong một trang báo.
  4. Biên tập viên văn bản (hoặc nhân viên mo-rat) sửa thêm về hình thức theo bút phát của toà báo rồi chuyển cho người trực toà soạn.
  5. Phó Tổng biên tập trực nội dung (hoặc Tổng biên) đọc và duyệt tất cả các bài báo do Thư ký toà soạn chuyển. Có thể sửa thêm hoặc gác bài.
  6. Tổng thư ký toà soạn (hoặc người trực toà soạn) nhận lại bài, sắp trang, và vé sơ ma-ket, chuyển cho hoạ sỹ hoặc kỹ thuật viên phòng máy.
  7. Hoạ sĩ (hoặc kỹ thuật viên) làm ma-ket chi tiết theo chỉ dẫn, đưa lại cho thư ký toà soạn xem.
  8. Tổng thư ký toà soạn (hoặc người trực) sẽ phát lệnh in báo.

Kết luận về sách “khám phá nghề biên tập”

Sách cung cấp nhiều kiến thức thú vị và bổ ích cho những ai muốn dấn thân vào nghề biên tập. Dù làm biên tập cho toà soạn báo giấy hay báo mạng hay bất cứ bài viết nào thì bạn cũng cần phải có kiến thức và kỹ năng nhất định như cuốn sách đã đề cập.

Kim rất thích sách “khám phá nghề biên tâp”. Sách nhỏ xinh, lượng kiến thức không nhiều nhưng cô đọng, những chỉ dẫn dễ hiểu và hơn hết mang tính thực tế vì được viết dựa trên những trải nghiệm của tác giả.

Một số quyển sách rất hay khác về chủ đề “con chữ” và “viết lách” như “làm bạn với hình, làm tình với chữ“, “thôi miên bằng ngôn từ” hoặc “content hay nói thay nước bọt” cũng đã được Kim review. Bạn tìm đọc thêm tại chuyên mục REVIEW SÁCH HAY nha.

Cảm ơn bạn đã truy cập vào website và đọc bài viết này (^.^)

Đây là Blog cá nhân, đồng thời cũng là "nơi làm việc" của Kim - Freelance Content Writer. Kim nhận viết bài PR và sản xuất hệ thống nội dung bài bản, chuẩn SEO cho website đa dạng lĩnh vực. Cảm ơn bạn đã dành thời gian ghé thăm Blog của Kim.