Số Đỏ là tiểu thuyết văn học góp phần làm nên tên tuổi và sự thành công của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Nhắc đến Số Đỏ, biết bao thế hệ độc giả có lẽ vẫn còn nhớ những nhân vật được khắc họa đầy châm biếm và trào phúng trong xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX. Đặc biệt, nhà văn đã sử dụng nhiều lớp ngôn ngữ hội thoại rất phong phú và đa dạng để miêu tả gián tiếp đặc điểm và tính cách của những nhân vật này.
Bài viết này mình không đề cập đến nội dung mà chỉ bàn về lớp ngôn ngữ hỗn tạp, rất phong phú trong tác phẩm.
Đôi nét về tác giả và tác phẩm
Vũ Trọng Phụng sinh ngày 20 tháng 10 năm 1912, quê ở làng Hảo (nay là thị trấn Bần Yên Nhân), huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên nhưng ông lớn lên và mất tại Hà Nội.
Là một nhà văn đa tài, ông đã để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ ở nhiều thể loại: phóng sự, tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch, dịch thuật. Ông cũng là một trong những lứa thanh niên Việt Nam đầu tiên được giáo dục bằng tiếng Pháp và chữ Quốc Ngữ. Có lẽ vì thế mà ông luôn thần tượng nền văn hóa Pháp và là lớp nhà văn tích cực truyền bá văn học chữ Quốc Ngữ.
Tiểu thuyết Số đỏ được in thành sách lần đầu vào năm 1938, gồm 20 chương. Nhiều nhân vật và câu nói trong tác phẩm đã đi vào cuộc sống đời thường, ví dụ như câu “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” của cụ cố Hồng. Tác phẩm cũng đã được dựng thành kịch, phim và có trích đoạn còn được sử dụng trong giảng dạy (“hạnh phúc của một tang gia” trong sách ngữ văn lớp 11, tập 1)
Thế giới nhân vật trong Số đỏ rất đa dạng và sinh động, đủ cả người tốt, kẻ xấu, thường dân, quan tham hay kẻ đạo đức giả,… Thông qua hệ thống nhân vật này, có thể nói tác phẩm là một bức tranh toàn cảnh của xã hội thành thị Việt Nam vào đầu thế kỷ XX, trước Cách mạng tháng Tám với lối sống pha tạp “nửa Tây nửa Ta”.
Nhân vật chính là Xuân – biệt danh là Xuân Tóc đỏ, từ chỗ là một kẻ đầu đường xó chợ, bị coi là hạ lưu, bỗng nhảy lên tầng lớp danh giá của xã hội nhờ trào lưu Âu hóa của giới tiểu tư sản Hà Nội khi đó.
Đa số các nhân vật còn lại là thân tộc của nhà cụ cố Hồng – một ông lão gần 60 tuổi, nghiện thuốc phiện nặng. Gia đình cụ cố Hồng gồm có một số nhân vật như cụ cố tổ, bà Phó Đoan, cô Hoàng Hôn, ông bà Văn Minh, cô Tuyết, cậu Tú Tân,… và một vài nhân vật khác như ông Tuýp – Phờ – Nờ, Đốc Tờ Trực Ngôn, ông Phán mọc sừng, …
Đặc điểm chung về ngôn ngữ trong tác phẩm
Nhà văn Nguyễn Khải đánh giá Số đỏ là cuốn sách vô tiền khoáng hậu và là “cuốn sách có thể làm vinh dự cho một nền văn học”. Tác phẩm đã rất thành công, trong đó có sự đóng góp rất lớn của ngôn từ.
Bối cảnh của câu chuyện được lấy từ thực trạng xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX. Lúc đây, xã hội chỉ toàn những thứ nhố nhăng, đồi bại với những trò Âu hóa và giải phóng nữ quyền dởm đời.
Vũ Trọng Phụng đã thể hiện rất rõ thái độ căm hờn, phỉ bảng của mình vào sự xảo quyệt, thối nát của xã hội cũ. Bằng cách xây dựng hệ thống nhân vật vô cùng sinh động, nhà văn cũng bộc lộ sự thấp kém và xấu xa của các nhân vật thông qua hành vi ngôn ngữ của họ.
Ngôn ngữ nhân vật trong tác phẩm đơn giản, những câu thoại thường ngắn, thể hiện rõ nét cảm xúc và thái độ của nhân vật, vừa trần trụi, thô tục nhưng cũng rất giàu sắc thái biểu cảm. Ngôn ngữ nhân vật mang một nét độc đáo riêng không ai giống ai nhưng rất phù hợp với cá tính, môi trường và hoàn cảnh sống của nhân vật.
Cách hành văn tân tiến của tác giả chính là một trong những điểm độc đáo của tác phẩm. Ngôn từ vừa sâu cay vừa trào phúng mà cũng rất hiện đại, khiến độc giả ngày nay cảm thấy tác giả dường như đang sống cùng thời với mình.
Trong tác phẩm, ngôn ngữ tác giả sử dụng ở nhiều dạng thức hội thoại như đơn thoại, song thoại, tam thoại, đa thoại. Từ ngôn ngữ thông tục, chửi rủa, vỉa hè, thành thị, đến tiếng Việt lơ lớ, ngoại lai,…Ngoài ra, nhà văn còn sử dụng nhiều thành ngữ rất hay và đa dạng từ xưng hô trong giao tiếp.
Những lớp ngôn ngữ nổi bật trong tác phẩm
Lớp từ xưng hô phong phú
Trong sinh hoạt hàng ngày, người Việt thường sử dụng nhiều từ xưng hô để giao tiếp với nhau. Từ xưng hô được dùng có thể là đại từ nhân xưng, danh từ thân tộc hoặc các danh từ khác.
Trong giao tiếp, người Việt thường mượn các từ chỉ quan hệ gia đình, nghề nghiệp, chức vụ, học hàm, học vị,…để xưng gọi, đặc biệt là các từ chỉ quan hệ gia đình chiếm số lượng lớn và sử dụng trong hầu hết các mặt của cuộc sống.
Như đề cập ngắn gọn về tuyến nhân vật cũng như mối quan hệ của họ ở đoạn trên, ta sẽ thấy từ xưng hô được sử dụng trong tác phẩm với số lượng khá lớn. Từ xung hô biểu thị rất nhiểu thông tin của nhân vật, như:
- Chỉ quan hệ gia đình: cụ, ông, mẹ, bố, chồng, bà, cô, cậu, mợ, dì, vợ, anh, em, chú, bác, cháu, con,…,
- Chỉ tên riêng: ông Phán, Tuyết, cô Hoàng Hôn, ông Xuân, ông Văn Minh,…
- Chỉ chức vụ, nghề nghiệp: giáo sư xuân, bà lớn, cảnh sát, bác sĩ, thằng phu xe, thầy, …
Ngoài ra, từ xưng hô không chỉ dùng để gọi hoặc để xưng mà còn thể hiện thái độ, tình cảm, của người nói đối với người mình giao tiếp hoặc người được nói tới. Chẳng hạn như thể hiện thái độ nghiêm túc, tôn trọng như: anh, tôi, cậu, mợ, ngài, cụ, ông, quan lớn,…; thái độ mỉa mai, coi thường như: hắn, gã, nó, mày, chúng mày, bọn mày, cái thằng, con mẹ, hạng ấy,…(thường xuất hiện trong các đoạn hội thoại của Xuân tóc đỏ với các nhân vật khác); hoặc thái độ yêu thương, gần gũi như: mình, mợ, chúng mình, me, anh, em, bác, con, cháu,…
Thông qua tác phẩm, ta có thể thấy từ xưng hô của tiếng Việt rất phong phú, đa dạng nhưng có chuẩn mực và nguyên tắc sử dụng rõ ràng chứ không phải tùy tiện.
Lớp từ thông tục, ngôn ngữ vỉa hè
Ngôn ngữ nhân vật trong tiểu thuyết Số đỏ sử dụng khá nhiều các từ chửi rủa. Lời thoại xuất hiện từ thông tục của nhân vật có tần số sử dụng khá nhiều theo tính cách và hoàn cảnh của từng nhân vật. Phần lớn đều từ những nhân vật xuất thân bình dân, ít học, những đứa trẻ mồ côi lang thang, hay những người bán hàng rong.
Đó là những từ chửi rủa như: đĩ già, con mẹ, thằng khốn nạn, đồ ngu, ngu như lợn, chết quách, nặc nô, du côn, nặc nô, con khốn nạn, con ác phụ, thằng ma cà bông, đĩ thõa, đồ khốn, thằng khốn nạn, đồ xỏ lá, con mẹ, đồ hoang dâm, mẹ mày,…. Và trong các lời thoại, có những từ tục xuất hiện không chút né tránh: đĩ, con đĩ, đồ đĩ, đĩ già, con chó.
Những từ ngữ thông tục, chửi rủa xuất hiện trong phần lớn các đoạn nhân vật Xuân Tóc Đỏ với các nhân vật khác khi Xuân chưa bước vào thế giới thượng lưu Âu hóa. Vốn vô học, lại lang thang đầu đường xó chợ nên hắn thường ăn nói tục tĩu như “mẹ kiếp”, ‘nước mẹ gì” “tình bỏ mẹ”, “đếch”, “rõ thối chửa”, “con mẹ”, “bỏ mẹ”, “thằng”, …
Qua lớp ngôn ngữ này nhà văn đã tạo nên hình ảnh một nhân vật sinh động thuộc lớp người bình dân bị tha hóa. Họ thuộc tầng lớp bình dân, ít học, và đều tham gia vào cuộc cải cách xã hội, một xã hội nhố nhăng Tây Tàu kết hợp.
Ngôn ngữ của họ là thứ ngôn ngữ đậm chất lưu manh, vô giáo dục, lối nói thô lỗ, dứt khoát, ít sử dụng tu từ,…và những từ thông tục này được sử dụng một cách tự nhiên, phù hợp với hoàn cảnh và vị thế trong xã hội lúc đó.
Điển hình là Xuân Tóc đỏ, hắn xuất thân là một đứa trẻ mồ côi, thiếu sự dạy dỗ giáo dục từ gia đình và phải lang thang đầu đường xó chợ mưu sinh. Chính môi trường đó đã tạo nên tính cách và lối hành xử, nói năng của Xuân. Do đó việc dùng những từ ngữ thông tục trong lời nói hàng ngày của Xuân là việc bình thường và mang tính đặc trưng của nhân vật.
Vũ Trọng Phụng đã sử dụng rất táo bạo và triệt để những từ ngữ thông tục mang đậm tính châm biếm, hài hước nhằm đả kích, vạch trần những thói hư tật xấu của xã hội bấy giờ.
Ngôn ngữ ngoại lai, pha tạp từ tiếng Pháp
Vì tác phẩm được đặt trong bối cảnh biến động của xã hội, các nhân vật có lối sống “nửa Tây nửa Ta” nên họ cũng sử dụng thứ ngôn ngữ pha tạp, lai căng từ tiếng Pháp.
Cách phiên âm sang tiếng Việt như: Xanh xít: năm – sáu, Ơ voa: Au revoir – tạm biệt; Gọi đồ vật theo cách Âu hóa: ma nơ canh., cooc xê, tennit.. ; Cách dùng từ pha tạp: gu thời trang, Mông đế y ề Pa rí! Tôi có hai mối tình tổ quốc và Pa – ri…Lốp, sì mát, đờ ray, kèn bú dích…
Qua việc pha tạp tiếng Pháp vào các diễn ngôn của các nhân vật, nhà văn cho thấy sự lai căng, nhố nhăng, Âu hóa lố bịch của những kẻ mang danh là thượng lưu nhưng thực chất là những “trưởng giả học làm sang” pha tạp buổi đầu.
Lớp ngôn ngữ lai căng này là đã mang đến cho Số đỏ nét riêng trong việc phản ánh hiện thực. Đặc điểm này khiến tác phẩm trở nên gần gũi, tiệm cận rất gần với các tiểu thuyết hậu hiện đại. Sự châm biếm này của tác giả đã đem đến cái nhìn cuộc sống đa chiều, hóm hỉnh.
Sử dụng nhiều thành ngữ
Ngoài việc sử dụng những lớp từ trên nhà văn còn sử dụng khá nhiều thành ngữ trong các lời thoại nhân vật, như: rợn tóc gáy, ngu như lợn, chữ với chả nghĩa, tân, uốn lưỡi bảy lần, tự kỉ ám thị, nhiều thầy thối ma, thấp cỏ bé họng, thượng lưu tri thức, tòng nhất nhị chung, tam tòng tứ đức, con hư tại mẹ cháu hư tại bà, nam nữ bất tương thân, môn đăng hộ đối, nuôi ong tay áo, bàn dân thiên hạ, họa vô đơn chí,…
Nhà văn đã sử dụng các thành ngữ này rất linh hoạt trong các đoạn hội thoại giữa các nhân vật. Mặc dù tỉ lệ sử dụng thành ngữ trong tác phẩm không cao như các lớp từ xưng hô và thông tục nhưng mỗi khi dùng trong lời thoại, các từ ngữ này cũng đem lại nhiều thông tin giá trị. Khi kết hợp các thành ngữ này với các loại từ ngữ khác, cách dùng này tô đậm thêm tính cách của mỗi nhân vật.
Ví dụ, Nói về nhân vật cậu Phước, con trai được bà Phó Đoan hết mực cưng chiều, chăm sóc như một đứa trẻ lên ba, nhà văn đã sử dụng thành ngữ “con Giời con Phật” để thể hiện thái độ yêu chiều, coi trọng và vị trí của bà Phó Đoan dành cho cậu Phước.
Hoặc để nói về thái độ của bà vợ cụ cố Hồng khi biết Xuân đã ngủ với Tuyết, bà cụ đã dùng thành ngữ “nuôi ong tay áo”, “bôi do trát trấu” để mắng ông con trai Văn Minh vì đã làm cho Xuân trở thành một nhà Âu hóa và sau đó phạm tội với Tuyết.
Kết luận
Giáo sư Đỗ Đức Hiểu nhận xét: “Số đỏ là một hiện tượng ngôn ngữ hết sức độc đáo, đánh dấu thời đại”. Qua việc tìm hiểu về từ ngữ trong tác phẩm, đặc biệt từ xưng hô, từ thông tục và thành ngữ trong ngôn ngữ nhân vật, ta có thể thấy được tư tưởng và phong cách ngôn ngữ của nhà văn. Ông đã thành công trong việc xây dựng hệ thống ngôn từ nhân vật để chuyển tải một cách tự nhiên tư tưởng, chủ đề của tác phẩm, tạo nên những ấn tượng mạnh mẽ trong lòng người đọc.
Bài viết khá dài nhưng theo mình, để bàn thật sâu về các lớp ngôn ngữ trong tác phẩm thì vẫn chưa đủ. Hi vọng mình đủ sức để viết thêm nhiều chủ đề nhỏ ^.^
Một số quyển sách rất hay khác về chủ đề “con chữ” và “viết lách” như “làm bạn với hình, làm tình với chữ“, “thôi miên bằng ngôn từ” hoặc “content hay nói thay nước bọt” cũng đã được Kim review. Bạn tìm đọc thêm tại chuyên mục REVIEW SÁCH HAY nha.
Cảm ơn bạn đã truy cập vào website và đọc bài viết này (^.^)