Mình không phải là “mọt sách” nhưng mình yêu thích việc đọc và tận hưởng nó theo một cách rất “ngẫu hứng”. Điều này giúp mình thoải mái trong việc đọc nhưng cũng có nhược điểm là mình sẽ không nhớ lâu những gì đã đọc. Thế nên có những quyển mình đọc lại nhiều lần và cũng có những cuốn mình thậm chí còn không đọc đến chương thứ 2.

Nhưng những năm gần đây mình đã thay đổi một chút, nghĩa là giảm sự “ngẫu hứng” trong việc đọc và tăng đần việc đọc có chủ đích, từ việc chọn sách phù hợp với bản thân đến việc áp dụng có chọn lọc những kiến thức đã đọc đó vào đời sống của mình. Xét cho cùng thì kết thúc của việc đọc chính là ta có thể thay đổi điều gì đấy trong chính mình, phải không?

Bài viết này mình chia sẻ một chút về quan điểm và phương pháp đọc sách của mình.

Đọc sách là đọc trải nghiệm của người khác để tự đối thoại với chính mình

Sách là những ghi chép về kinh nghiệm, cảm nhận và suy nghĩ của người khác. Có thể nói sách mang đến cho chúng ta những quan điểm, tư tưởng và thông điệp khác hoặc mới so với hiểu biết của chúng ta tại thời điểm chúng ta đọc sách.

Đọc sách nghĩa là chúng ta “đối thoại” với những điều mà tác giả đã truyền đạt thông qua sách, và từ sự đối thoại ấy, ta tìm ra thông điệp hay bài học của riêng mình. Việc đọc sách cung cấp lượng thông tin lớn nhưng chúng cũng chỉ là “nguyên liệu thô”, việc của bạn là chọn lọc thông tin và tìm cách để biến chúng thành “nguyên liệu tinh” giúp cho cuộc sống của mình dần tốt đẹp hơn so với thời điểm hiện tại.

Để làm được điều này, bạn cần rèn luyện thái độ vô tư khi đọc sách. Mình nói điều này là bởi mình đã từng mắc sai lầm là hay phán xét vội vàng một quyển sách nào đó dù mình chỉ đọc vài trang đầu hoặc đã đọc hết. Tất nhiên, bạn có quyền đưa ra nhận xét về cuốn sách đó nhưng nếu đọc với một thái độ phán xét thì theo mình hiệu quả của việc đọc không cao.

Xét lại chính mình là bước cuối cùng mà mình thường làm để hoàn tất quá trình đọc sách. Điều này giúp mình không bị rơi vào tình trạng “đọc xong quên luôn” hoặc bị rối loạn thông tin. Việc này cũng giúp mình giảm bớt những định kiến hạn hẹp với những điều đã đọc trong sách hoặc tỉnh táo không theo xu hướng đánh giá quá cao hoặc tin vào bất cứ điều gì được nói đến trong sách.

Thế nên, mình nghĩ hãy đọc sách như là đang đối thoại với tác giả. Tiếp nhận những gì mà tác giả muốn truyền đạt với thái độ cởi mở, vô tư. Thực sự lắng nghe, thấu hiểu bằng thái độ chân thành. Và cuối cùng, tìm ra những điều có thể áp dụng vào đời sống của chính mình.

Chọn sách theo mục đích và nhu cầu của mình trong từng giai đoạn

Cuộc sống hiện đại bị bao phủ bởi luồng thông tin khổng lồ sẽ khiến mình cần phải cẩn trọng hơn trong việc tiếp nhận thông tin. Thông tin chưa phải là tri thức, không phải cứ đọc nhiều, đọc đủ hết các thể loại sách là bạn đã có thể “trên thông tinh văn, dưới tường địa lý” bởi bộ não của chúng ta không thể ghi nhớ hết được chúng và cũng bởi thời gian bạn có trên cõi đời này cũng chỉ là hữu hạn mà thôi.

Nếu đọc sách chỉ vì bạn đang nhàn rỗi thì cũng không sao cả nhưng thực tế việc này không mang lại nhiều lợi ích ngoài việc bạn chỉ đang muốn “giết thời gian”. Đọc giải trí rất khác so với đọc tư duy và nếu bạn thực sự muốn biến việc đọc sách thành công cụ sắc bén để rèn luyện trí óc và cải thiện đời sống tinh thần của mình thì bạn phải biết cách chọn lọc sách.

De Quincey (nhà tiểu luận người Anh, nối tiếng với tác phẩm “Lời thú tội của một gã nghiện”,1821) đã nói  về “thói háu sách”, tức là càng đọc, càng thấy mình nhỏ bé, càng tham lam muốn đọc nhiều hơn. Theo mình, bạn cần phải tránh điều này bởi thời gian của một đời người là hữu hạn, hãy tập trung vào điều cốt yếu mà bạn quan tâm nhất. Tương tự với việc đọc sách, hãy chỉ chọn những đầu sách thuộc về mảng kiến thức mà bạn đang cần tìm hiểu.

Đọc đi đôi với hành

Đọc sách giúp trí óc chúng ta được làm việc và điều này làm cho khả năng tư duy được mài dũa sắc bén hơn. Tư duy sắc bén cũng là để hành động hiệu quả hơn.

Đọc sách bằng sự tập trung và theo hệ thống có lẽ là phương pháp giúp bạn tiết kiệm được nhiều thời gian trong quá trình đọc. Khi bạn tập trung, bạn sẽ tự nhiên chọn lọc được phần quan trọng với mình. Có nghĩa là bạn không nhất thiết phải ép mình đọc hết quyển sách mà thay vào đó chỉ đọc phần quan trọng và liên quan đến điều mình quan tâm mà thôi.

Nếu thiếu sự ghi chép thì việc đọc sẽ không thực sự hiệu quả. Ghi chép có nghĩa là bạn viết những thông tin quan trọng trong sách ra giấy hoặc file trong máy tính, điện thoại, hoặc bạn cũng có thể đánh dấu trực tiếp vào trong sách. Đây là một cách để bạn “khắc ghi” những gì đã đọc vào não bộ, chuyển hoá những ý của người viết thành của mình để suy xét vào đời sống của mình.

Nếu tất cả những gì bạn đọc được, học được không dùng vào việc giúp bạn thay đổi chính mình thì có thể nói bạn đang “hoài công”. Nếu biến quá trình đọc thành quá trình sống thực sự thì mình tin đời sống tinh thần của bạn sẽ được cải thiện rất nhiều. Khi tinh thần được “khai mở” thì những việc khác liên quan đến cuộc sống của bạn cũng sẽ tự nhiên được thông suốt và cải thiện theo.

Cho nên, thay vì đọc “ngẫu hứng” như trước kia thì bây giờ mình đã áp dụng phương pháp đọc chọn lọc bằng thái độ chân thành, vô tư nhất có thể, sau đó suy xét và trải nghiệm những điều đã đọc trong sách vào thực tế cuộc sống của chính mình.

Lời kết

Vậy với bạn, đọc sách là để làm gì hay là để trở thành ai ? Với mình, đọc sách là để hiểu về chính mình và dần thay đổi tốt hơn mình của ngày hôm qua, về tinh thần lẫn chất lượng cuộc sống. Chiến thắng chính mình luôn là cảm giác tuyệt vời nhất và sách là một trong những công cụ, phương tiện giúp mình đạt được điều này. (^.^)

Cảm ơn bạn đã dành thời gian truy cập Blog của Kim và đọc bài viết này (^.^)

Đây là Blog cá nhân, đồng thời cũng là "nơi làm việc" của Kim - Freelance Content Writer. Kim nhận viết bài PR và sản xuất hệ thống nội dung bài bản, chuẩn SEO cho website đa dạng lĩnh vực. Cảm ơn bạn đã dành thời gian ghé thăm Blog của Kim.