Với bạn, hạnh phúc là gì ?
“Đúng việc” không phải là quyển sách bàn về hạnh phúc nhưng chính xác là nhờ “Đúng việc”, mình mới tìm được khái niệm hạnh phúc phù hợp và vừa vặn với đời mình nhất tính đến thời điểm này, vào tháng 10.2023.
Mình đã từng thử đi tìm hạnh phúc ở nhiều hình thái khác nhau trong suốt một thời gian dài. Có những lúc mình tưởng “à, hạnh phúc là đây” nhưng sâu trong lòng vẫn cảm thấy không đúng ở đâu đó mà mình chưa lý giải được. Mãi sau khi đọc cuốn sách “Đúng việc – một góc nhìn về câu chuyện khai minh” của tác giả, nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung thì mình mới “vỡ oà”. Tác giả đã trích dẫn một câu nói của Mahatma Gandhi – bậc hiền triết nổi tiếng người Ấn Độ:” Hạnh phúc là khi những gì bạn nghĩ, bạn nói và bạn làm nhất quán và hoà quyện với nhau”. Một định nghĩa về hạnh phúc quá chính xác với những gì mình đã và đang trải nghiệm.
Nói về sách “Đúng việc”, sự nhất quán của việc “nói, nghĩ và làm” này thể hiện rất rõ. Thông qua từng trang sách, tác giả đã đưa ra những góc nhìn thấu đáo “về câu chuyện khai minh” để “dành tặng những ai đã, đang và sẽ dấn thân trên hành trình tự lực khai phóng để trở thành con người tự do”. Theo tác giả, “nếu ta tự do và biết lựa chọn cho đời mình một “đạo sống” tốt và sống đúng với “đạo sống” đó, sống đúng với con người của mình thì cuộc đời mới có thể có hạnh phúc đích thực.
Về nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung
Trước tiên, mình nghĩ chúng ta nên biết về tiểu sử của tác giả để có sự “đánh giá” khách quan nhất cũng như hiểu được “chính xác” nhất có thể về nội dung sách. Phần tiểu sử ngắn dưới đây mình xin phép trích dẫn từ website chính thức của tác giả: https://www.giantutrung.vn/
“Nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung hiện là Hiệu trưởng Trường Doanh Nhân PACE; Viện trưởng Viện Giáo dục IRED; và Phó Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh.
Ông không chỉ là tác giả của cuốn sách “ĐÚNG VIỆC – Một Góc Nhìn Về Câu Chuyện Khai Minh” mà còn là tác giả của nhiều đầu sách rất chất lượng khác như “SƯ PHẠM KHAI PHÓNG – Thế Giới, Việt Nam & Tôi”; và chủ trì việc biên soạn bộ sách “Đạo Kinh Doanh – Việt Nam & Thế Giới” (gồm 15 cuốn).
Song song với vai trò lãnh đạo, nghiên cứu, giảng dạy, diễn thuyết và viết báo, Ông cũng là người khởi xướng và xây dựng 05 tủ sách thiết yếu nhằm phục vụ cho các nhóm độc giả khác nhau: “Tủ sách Kinh điển” (dành cho Học giới), “Tủ sách Doanh trí” (dành cho Doanh giới), “Tủ sách Giáo dục” (dành cho Giáo giới), “Tủ sách Lịch sử” và “Tủ sách Khai phóng” (dành cho Công chúng).
Vì những cống hiến của Ông cho giáo dục, Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới đã vinh danh Ông là một Nhà lãnh đạo toàn cầu trong vai trò là một Nhà hoạt động giáo dục”.
Đọc sách “Đúng việc” sao cho “đúng”?
Có nhiều sách bạn có thể đọc ở chương nào bạn thích, đọc kiểu “nhảy cóc” mà vẫn có thể hiểu được nội dung toàn sách. Tuy nhiên, theo mình để đọc “Đúng việc” một cách “đúng nhất” là đọc từ đầu đến cuối, một lượt, không bỏ sót bất cứ trang nào.
Bởi lẽ đây là câu chuyện của “hành trình tự lực khai phóng”, và sự nhất quán trong lập luận của tác giả không chỉ theo trình tự các chương mà cái cốt lõi nhất của hành hình khai minh này là phải đi từ gốc rễ căn nguyên nhất, từ cá nhân, từ chính bản thân mình trước. Điều này thể hiện rõ ngay ở chương 1 “LÀM NGƯỜI”, rồi mới tới LÀM DÂN và cuối cùng là LÀM NGHỀ.
Đây là 3 việc rất hệ trọng của một đời người và cũng là hành trình mà hầu như bất cứ cá nhân con người trưởng thành nào cũng phải trải qua khi sống trong gia đình, tổ chức và xã hội. “Lựa chọn “đúng việc” hay “sai việc” của mỗi người trong từng công việc ấy sẽ làm nên cuộc đời họ, cũng như góp phần làm nên gia đình, tổ chức và xã hội mà họ đang sống”.
Một điều quan trọng để đọc sách “đúng việc” sao cho “thấm” nhất, là bạn phải hiểu quan điểm, góc nhìn và cách tiếp cận của tác giả khi viết quyến sách này. Dựa trên lời khẳng định mạnh mẽ “thay đổi đến từ “TÔI”, và công việc quan trọng nhất của mỗi người trên cõi đời này là “làm người”, tác giả đã bàn về “hành trình tự lực khai phóng” một cách rất tự nhiên, nhân văn, đậm tính triết lý. “Ta là sản phẩm của chính mình”,”đạo sống” mà ta chọn mới chính là “ông chủ” của đời ta. Đó cũng là tiền đề quan trọng của cuốn sách mà nếu không có nó, những gì viết trong sách sẽ không còn ý nghĩa và bạn cũng không cần phải bận tâm đến câu chuyện “đúng việc” này.
Chi tiết hơn của “nghề làm người”, tác giả mở rộng thêm 2 việc quan trọng khác là “làm dân” và “làm nghề”. Do đó, ba chương chính của cuốn sách sẽ xoay quanh những câu chuyện “đúng việc” của “làm người, làm dân và làm nghề”. Ở chương cuối, tác giả bàn thêm về LÀM GIÁO DỤC vì tầm ảnh hưởng của giáo dục tới việc “làm người” là rất lớn và cũng là những góc nhìn rất thực tế nhưng vô cùng tâm huyết của tác giả.
Để kết nối 4 câu chuyện cá nhân, gia đình, tổ chức và xã hội trong một câu chuyện chung mang tên “Đúng việc” quả thật không dễ nhưng tác giả đã chọn cách tiếp cận rất dễ hiểu, gần gũi. Mình tin trong quá trình đọc sách, bạn sẽ bắt gặp chính bản thân bạn hoặc ai đó mà bạn biết ở trang sách nào đó.
Bạn sẽ “khai mở” chính mình như thế nào sau khi đọc xong sách?
Mình tin rằng, sau khi đọc xong quyển sách này thì tâm trí bạn sẽ được “khai mở” theo một cách nào đó rất tích cực, hứng khởi và ngập tràn biết ơn, dù ít hay nhiều. Tác giả hy vọng, quyến sách sẽ khơi gợi suy nghĩ và quan tâm của mọi người đến hành trình “làm người, làm dân, làm nghề”, bắt đầu tìm thấy một con đường, nhìn thấy một phương pháp để biết cách tự kiến tạo “hệ điều hành” – là ý thức hệ hay hệ giá trị của riêng mình, gia đình, tổ chức và xã hội mình đang sống.
Đặc biệt, bạn sẽ có lời lý giải cho riêng cho câu hỏi tưởng chừng rất dễ trả lời, đó là “làm người là làm như thế nào”, hay “thế nào là một con người”. Thật ra, đây là một câu hỏi rất lớn mà bao đời nay loài người luôn tìm cách lý giải sao cho vừa, cho đúng với chính họ nhất. Qua góc nhìn của một nhà hoạt động giáo dục, tác giả đã đã đưa ra câu trả lời rất “đời”, rất thực tế. Do đó, bạn sẽ không thấy rằng đây chỉ là kiến thức “giáo dục công dân” khô khan mà là hành trình chọn “đạo sống” đầy trải nghiệm của một nhà hoạt động giáo dục hết lòng vì sự học khai phóng.
Với mình, và có thể với rất rất nhiều bạn, tự do là cái đích đến lớn nhất của đời người. Khi có tự do, ta mới có đủ tâm, trí, lực để cống hiến trọn vẹn cho những mục tiêu cao cả hơn ngoài việc mưu sinh vốn nó đã tự an bài ổn thoả khi ta có tự do. Việc hiểu một cách thấu đáo “thế nào là một con người tự do, tự trị” rất khó nhưng sống được như một con người tự do, tự trị còn khó hơn ngàn lần, bởi lẽ “con người thì khác với muông thú,cỏ cây và máy móc; con người tự do khác với con người nô lệ, con người công cụ, con người phận vị, con người hoang dã…”.
Hành trình đến với tự do rất chông gai, đòi hỏi sự nỗ lực khai phóng chính mình không ngừng nghỉ. Và cho dù khó khăn đến mấy nhưng ai cũng có thể làm được, chỉ cần giữ vừng niềm tin “thay đổi đến từ “TÔI” chứ không quá trông chờ vào ai khác thì hành trình đến với tự do sẽ được “khai phóng” dần dần. Theo đó, khi mỗi người trong chúng ta tự thay đổi chính mình trước, tự làm đúng và làm tốt “việc của mình” thì xã hội sẽ thay đổi theo.
Và “làm sao để lựa chọn nếu không hề biết đến sự tồn tại của những lựa chọn, không rõ đâu là sự khác biệt giữa chúng và đâu là “mình” giữa những lựa chọn đó? Làm sao để có thể làm đúng việc khi chưa biết đâu là cái đúng? làm sao “làm ra chính mình”, làm sao “được là chính mình” khi chưa biết “đâu là mình”?…
Mình tin, bạn sẽ tự tìm ra câu trả lời cho hành trình khai minh này của chính bạn khi đọc xong sách, gấp cuốn sách lại và sống cuộc sống của mình một cách tử tế với niềm tin mãnh liệt rằng “thay đổi đến từ “TÔI”.
Lời kết
“Thay đổi đến từ TÔI” – lời khẳng định mạnh mẽ của con người tự do.
Trong sách này, mình thích nhất chương 1 “Làm người” vì đó cũng là mối quan tâm hàng đầu của mình. Mình hoàn toàn đồng ý với quan điểm của tác giả rằng “thay đổi đến từ “TÔI” là con đường tốt nhất dẫn đến sự đổi thay chung của cả xã hội.
Mình vô cùng biết ơn tác giả vì đã nỗ lực viết quyển sách này, theo như lời tác giả đã nói, đây là sự thôi thúc của “trách nhiệm công dân, trách nhiệm làm nghề” của một người làm giáo dục.
Và thật sự cũng rất cảm ơn bạn đã ghé thăm Blog của Kim. Hy vọng, bài review nhỏ này góp chút “động lực” để bạn tìm đọc “Đúng việc – một góc nhìn về câu chuyện khai minh” và tìm thấy con đường “tự lực khai phóng” phù hợp với bạn nhất.