20% hành động quyết định 80% thành công nên đừng lãng phí thời gian cho những công việc, mối quan hệ không cần thiết. Đó là điều mình học được khi biết đến nguyên lý 80/20.

Vì sao mình viết bài này ?

Trong lĩnh vực kinh tế, “80/20” là một nguyên lý rất nổi tiếng, đã được nhiều đơn vị, tổ chức áp dụng và gặt hái nhiều thành công. Theo thời gian, nguyên lý này được phổ biến rộng rãi hơn ở các lĩnh vực khác và nhiều mặt của cuộc sống.

Mình biết đến nguyên lý này hơi muộn, có lẽ vào năm 32 hoặc 33 tuổi (hiện tại mình 36 tuổi). Nhưng ở thời điểm đó mình vẫn chưa thực sự tìm hiểu về nó một cách nghiêm túc, đồng nghĩa việc áp dụng nó vào đời sống cá nhân cũng là con số 0 tròn trĩnh.

Vậy vì sao mình lại viết bài này trong khi chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế? Thật ra, động lực để viết là vì mình muốn hệ thống lại kiến thức mình có về nguyên lý 80/20, đồng thời suy xét lại trong khoảng 4 năm qua thì mình có “vô tình” áp dụng nó hay không.

Mình sử dụng từ “vô tình” là bởi mình nhận ra nguyên lý 80/20 có một số điểm tương đồng với các triết lý mà mình đã và đang theo đuổi. Xin chia sẻ cùng bạn chút kiến thức và kinh nghiệm nhỏ bé của mình về nguyên lý 80/20 trong đời sống tinh thần. Mình không bàn đến khía cạnh đời sống vật chất là bởi mình theo đuổi lối sống tối giản, thực hành một số triết lý chủ nghĩa Khắc kỷ và đạo Phật (mình không theo tôn giáo nào). Theo mình, nếu bạn cũng đang theo đuổi những triết lý này thì việc áp dụng nguyên lý 80/20 rất dễ dàng và tự nhiên.

Trong bài viết này, mình sử dụng nhiều kiến thức trong sách “Nguyên lý 80/20, bí quyết làm ít được nhiều” của tác giả Richard Koch. Có những phần mình trích gần như nguyên văn, có những phần mình tự viết. Nói chung, đây không phải sự sáng tạo của riêng mình mà mình chỉ chọn lọc những phần cần thiết, sau đó biên tập những kiến thức có sẵn này theo ý mình và “thêm thắt” một chút mà thôi (^.^)

80/20: Định luật “làm ít, được nhiều”

Vilfredo Federico Damaso Pareto sinh năm 1848 là nhà triết học và kinh tế học nổi tiếng người Italy. Một ngày nọ, ông phát hiện 80% đậu thu hoạch được trong vườn đến từ 20% cây đậu. Từ đó ông nảy ra ý tưởng về sự phân phối không đồng đều. Tiếp tục điều tra, Pareto nhận thấy 80% sản phẩm do 20% công ty sản xuất và 80% đất đai Italy thuộc về 20% dân số.

Từ các nghiên cứu trên, Pareto đưa ra nguyên lý 80/20: 80% thành công đến từ 20% hành động. Nghĩa là, chỉ có rất ít (20%) những gì chúng ta làm thực sự có nghĩa, còn lại chỉ là sự phí phạm.

Ví dụ như chúng ta thường hay rơi vào những “cái bẫy” sau:

  • Dành nhiều thời gian tiếp xúc với người mình không thích
  • Làm những công việc mình không yêu.
  • Sử dụng thời gian rảnh vào những hoạt động mình không cảm thấy thích thú lắm
  • “Cố đấm ăn xôi” ở lại trong một cuộc hôn nhân không phù hợp.

Giống như việc hầu hết chúng ta không thực sự biết mình muốn gì. Điều này dẫn đến ta sống một cuộc đời không như ý với nhiều bất mãn, tiêu cực. Ta có việc làm phù hợp nhưng lại có những mối quan hệ sai lầm, hoặc ngược lại. Ta có thể ra sức kiếm tiền và gặt hái thành quả để rồi sau khi đạt được mục đích mới thấy rằng chiến thắng thật ra không có ý nghĩa gì với mình.

Thật ngạc nhiên là sự phí phạm thời gian và công sức này xảy ra với hầu hết chúng ta. Ta tiêu tốn thời gian và nguồn lực vào quá nhiều việc hơn là chỉ tập trung vào những mục tiêu quan trọng.

Nguyên lý 80/20 ghi nhận tình trạng đáng tiếc này. 20% những việc chúng ta làm dẫn đến 80% kết quả, nhưng ngược lại 80% những gì chúng ta làm cũng chỉ dẫn đến chỉ 20% kết quả. Nghĩa là chúng ta đang lãng phí 80% công sức của mình vào những kết quả có giá trị thấp. 80% thời gian chúng ta hoàn toàn mất trắng vào những việc làm chẳng có mấy giá trị đối với chúng ta.

Cái hay nhất của kiểu tư duy 80/20 là nó khuyến khích người ta theo đuổi những hoạt động mang lại giá trị hoặc sự thoả mãn cao trong những lúc làm việc hoặc vui chơi chứ không phải vứt bỏ công việc để vui chơi.

Theo nguyên lý 80/20, cách tốt nhất để đạt được nhiều hơn là làm ít đi. “ít lại là nhiều” khi chúng ta tập trung vào một vài việc thực sự quan trọng, như chọn lọc công việc để làm chứ không phải làm toàn bộ, chọn những việc theo sở trường và sở thích của chúng ta, nhắm vào những mục tiêu giới hạn nhưng giá trị hơn là theo đuổi mọi cơ hội có thể có.

Lưu ý rằng, 80/20 chỉ là cách rút gọn đối với mối quan hệ rất chênh lệch của nhân và quả, không phải lúc nào cũng chính xác là 20% và 80%. Điểm mấu chốt mà nguyên tắc này muốn đề cập là hầu hết mọi thứ trong cuộc sống (nỗ lực, phần thưởng, kết quả,…) không được phân phối đồng đều, sẽ có một số đóng góp nhiều hơn những thứ khác.

Sống theo phương thức 80/20

Ở phần này mình chỉ đề cập đến khía cạnh đời sống tinh thần, công việc và các mối quan hệ. Nếu bạn quan tâm đến phương thức 80/20 ở các lĩnh vực khác thì bạn có thể tìm đọc các sách liên quan.

(1) Thoát khỏi quan điểm cũ “làm nhiều để được nhiều”

Đây là một quá trình loại trừ dần. Chúng ta không cần làm nhiều – chúng ta cần làm ít hơn. Chúng ta chỉ cần đơn giản hoá tập trung vào những phần tốt nhất và hoàn thiện nhất của cuộc sống mà chúng ta có.

Đối với 80% hoạt động chỉ mang đến cho bạn 20% kết quả, lí tưởng nhất là loại bỏ chúng ra. Hãy mạnh dạn cắt bỏ những hoạt động này, như:

  • Những việc người khác muốn bạn làm
  • Những việc mà bạn thường làm không tốt
  • Những việc mà bạn không thích làm
  • Những việc mà lúc nào làm cũng bị gián đoạn.
  • Những việc mà trong đó người phối hợp với bạn không đáng tin cậy hoặc không đủ năng lực.
  • Những việc có chu kỳ lặp đi lặp lại hoặc có thể đoán trước được.

Thường xuyên đặt câu hỏi cho chính mình khi làm điều gì đó, như “có phải đây là điều mình thực sự muốn làm không? “

(2) Tìm ra “20% tinh tuý” của bạn

Để tìm ra được “20% tinh tuý” này, trước hết hãy bắt đầu từ lối sống của chính mình

Bạn có thích cuộc sống của mình không? Không phải là một phần nào đó mà phải phần lớn kìa: ít nhất 80% ? và dù bạn có thích hay không thì hãy đặt tiếp câu hỏi:” Có lối sống nào khác phù hợp với bản thân mình không?

Một số câu hỏi bạn có thể tự hỏi như sau:

  • Những người mình đang sống có phù hợp với mình không ?
  • Nơi mình đang sống có phù hợp không ?
  • Thời lượng làm việc hiện nay có phù hợp với nhịp độ làm việc/vui chơi và các nhu cầu khác của gia đình và xã hội không?
  • Mình có cảm thấy mình nắm quyền kiểm soát bản thân không?
  • Mình có thể tập thể dục hay thiền những lúc mình muốn không?
  • Có phải mình gần như lúc nào cũng cảm thấy thoải mái, dễ chịu với môi trường xung quanh không?
  • Lối sống của mình có tạo điều kiện dễ dàng cho mình sáng tạo và phát huy hết tiềm năng của mình không?
  • Mình có đầy đủ tiền không? và công việc của mình có được bố trí hợp lý để mình không phải lo âu về tiền không?
  • Lối sống của mình có tạo điều kiện cho mình có được những đóng góp như mình mong muốn để làm giàu hơn cuộc sống của những người mình muốn giúp đỡ không?
  • Mình có tất cả mọi thứ mình cần ngay tại đây không?

Trong cuộc sống của chúng ta, luôn có những điều chúng ta có thể làm và chúng có tác dụng rất tốt, nhưng lại tốn ít tiền và công sức, như: nói lời cảm ơn, bày tỏ lòng tri ân, bộc lộ tình cảm, ngắm ánh bình minh hay hoàng hôn, chăm sóc thú cưng hay cây cối, mỉm cười với người lạ, làm việc thiện, v.v.. là những cách có được nhiều mà làm ít.

Đối với hạnh phúc, hãy nhận diện những khoảng thời gian hạnh phúc, liệt kê chúng ra và cố suy ra xem giữa tất cả những khoảng thời gian hoặc một số khoảng thời gian ấy có điểm gì giống nhau. Từ đó tìm cách kéo dài tối đa những khoảng hạnh phúc ấy.

Cũng tương tự như vậy đối với việc nhận diện khoảng thời gian không hạnh phúc và tìm cách thu ngắn tối đa những khoảnh khắc ấy.

(3) Chọn việc gần nhất với sở trường và sở thích của mình

Công việc là một phần chính yếu của cuộc sống, một thứ mà chúng ta không nên làm quá nhiều hay quá ít. Nguyên lý 80/20 có thể cho ta một thước đo hiệu quả và một cách hay để biết rằng mình nên làm thêm hay giảm bớt giờ làm. Nếu quân bình bạn cảm thấy vui sướng khi không làm việc hơn là lúc làm việc thì bạn nên làm việc ít lại và/hoặc thay đổi công việc của mình hoặc ngược lại.

Hãy xuất phát từ tiền đề rằng giữa cuộc sống làm việc và những cái bạn thích ngoài công việc không nhất thiết phải có sự xung đột. Bạn có thể làm việc trong một lĩnh vực mình thích hoặc thậm chí biến sở thích của mình thành công việc. Cho dù bạn làm gì đi nữa, hãy xác định rõ mức tối ưu mà bạn muốn đạt tới và xét nó trong bối cảnh chung của cuộc sống của bạn. Điều này có vẻ khó bởi cuộc sống rất dễ bị lấn át bởi áp lực và lối suy nghĩ thông thường. Thế nên, bạn có thể tự hỏi mình những câu hỏi sau:

  • Bạn có sự thôi thúc lớn muốn đạt được thành quả và thành công trong nghề nghiệp không?
  • Bạn cảm thấy vui sướng nhất khi làm cho một tổ chức, tự làm hay thuê người khác làm cho mình?

(4) Mạnh dạn loại bỏ các mối quan hệ vô bổ

Nhà tâm lý học nổi tiếng Carl Jung đã nói “chúng ta cần người khác để thực sự là chính chúng ta”. Chúng ta tạo ra ý nghĩa của cuộc sống thông qua các mối quan hệ.

Nếu không có những mối quan hệ thì coi như hoặc không chúng ta chẳng màng gì đến nhân tình thế thái. Quan hệ bằng hữu chính là cái chính yếu trong đời sống của chúng ta. vậy nên hãy bỏ thời gian và công sức của mình để củng cố và làm thâm sâu hơn các mối quan hệ quan trọng.

Trong bất cứ lĩnh vực công việc hoặc khía cạnh nào của đời sống, hãy nhớ rằng quỹ thời gian là hữu hạn. Bằng cách luôn tự đặt ra những câu hỏi cho bản thân rằng những hoạt động, thói quen, mối quan hệ nào đang đóng góp vào 80% thành công của bạn để tập trung vào chúng và gạt bớt những thứ không cần thiết. Như vậy, bạn vừa tiết kiệm được thời gian, công sức, vừa nhanh chóng đi đến đích.

Lời kết

Nguyên lý này chỉ là một trong rất nhiều công cụ hỗ trợ cải thiện cuộc sống cho người áp dụng nó và nó không có giới hạn. Có thể xem nó là công cụ có tác dụng chẩn đoán, để chỉ ra một tình trạng lãng phí và không thoả đáng khi chúng ta làm bất cứ điều gì.

Bạn sẽ có thêm tự do và thời gian để tận hưởng cuộc sống. Cái giá duy nhất bạn phải trả là thực hiện kiểu tư duy 80/20 một cách nghiêm túc. Một khi đã xác định đâu là phần 20% hoạt động mà bạn phải đầu tư vào thì bạn phải toàn tâm toàn ý, “bám trụ” và dành trọn thời gian cho nó.

Điều quan trọng là bạn cần phải tìm ra  “20% tinh tuý” này trong đời sống của bạn, bao gồm công việc, hạnh phúc cá nhân, tiền bạc, các mối quan hệ, v.v… từ đó tập trung mọi nỗ lực và thời gian cho 20% này.

Về cơ bản mà nói, mình đã và đang áp dụng nguyên lý 80/20 cho cuộc sống hiện tại của mình mấy năm gần đây, kể từ khi mình quyết định nghỉ việc văn phòng. Mình được làm công việc tự do và rất yêu thích nó, mình có thêm thời gian cho bản thân và đời sống tinh thần được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, mình vẫn chưa rèn luyện được tính kỷ luật và đôi khi còn ham vui, dễ “bị dụ dỗ” nên có khi lãng phí nhiều thời gian vào những việc không đâu.

Bài chia sẻ này vẫn còn nhiều thiếu sót và mình sẽ cập nhật dần theo thời gian.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian truy cập Blog của Kim (^.^)

Đây là Blog cá nhân, đồng thời cũng là "nơi làm việc" của Kim - Freelance Content Writer. Kim nhận viết bài PR và sản xuất hệ thống nội dung bài bản, chuẩn SEO cho website đa dạng lĩnh vực. Cảm ơn bạn đã dành thời gian ghé thăm Blog của Kim.