“Sức mạnh của hiện tại”, một cuốn sách mình đã đọc đi đọc lại nhiều lần, ở nhiều thời điểm khác nhau. Lần gần nhất là sau một biến cố và mình đã sống trong nỗi buồn đau, hối hận, dày vò trong suốt nhiều tuần và một lần nữa mình đã tìm đến cuốn sách này như một cách mong cầu tìm được “sự giải thoát” khỏi những cơn bão tiêu cực đó.

Nhưng mình không tìm được, hay nói một cách công bằng hơn, mình “CHƯA” tìm được.

Tuy nhiên, có một tia sáng nhỏ nhoi, yếu ớt len lỏi vào cái đầu đang đầy rẫy bóng tối u buồn của mình, và dù nó là gì đi chăng nữa thì với mình cũng đã là quá đủ trong lúc này. Và mình quyết định viết review, tóm tắt sách.

Cuốn sách này dành cho ai ?

“Sức mạnh của hiện tại” được đánh giá là “một trong những cuốn sách hay nhất của mọi thời đại, thức tỉnh chúng ta gia trị và sức mạnh của hiện tại”. Sácg cũng đứng TOP 1 bán chạy nhất do New York Times bình chọn tính tới thời điểm tái bản lần thứ 7 của cuốn sách tại Việt Nam.

Dù bạn là ai nhưng nếu bạn đang bế tắc trong mối quan hệ với chính bản thân mình hoặc với mối quan hệ xung quanh, nếu bạn đang mong cầu vượt thoát khỏi khổ đau để sống bình an, hạnh phúc ở hiện tại thì cuốn sách này là một trong những bảng chỉ dẫn rõ ràng, cụ thể và đáng tin cậy mà bạn có thể tham khảo.

Eckhart Tolle là một tác giả và là một vị thầy tâm linh nổi tiếng người Đức. Ông tin rằng “quyển sách này sẽ là một chất xúc tác thật sự cho những ai sẵn lòng muốn chuyển hoá nội tâm”. Với những ai “chưa sẵn lòng”, Eckhart Tolle cũng y vọng họ “sẽ nhận ra nội dung của quyển sách là rất đáng quan tâm”, “biết đâu về sau những hạt giống tốt sẽ được gieo trồng khi đọc cuốn sách này sẽ có cơ hội hoà lẫn với những hạt giống giác ngộ khác đã có sẵn trong mỗi người và nảy mầm tốt tươi”.

Eckhart Tolle đã từng sống trong một thời kỳ u tối, đầy lo âu và kinh hãi khi không biết mình thật sự là ai, mục đích của cuộc sống là gì. Một biến cố quan trọng đã xảy đến với ông và đó cũng là lúc ông đạt được “điều mà mọi người đang cố tìm và mong muốn để đạt được” như nhiều bậc thầy tâm linh đã nhắc dến.

Trạng thái an lạc, bình yên sâu thẳm và vững chãi trong nội tâm của Eckhart Tolle cũng chính là điều mà nhiều người tìm đến ông để mong được chỉ dẫn để đạt được, và kiệt tác “sức mạnh của hiện tại” đã ra đời.

Tóm tắt sách “sức mạnh của hiện tại”

Trong Sức mạnh của hiện tại, tác giả sử dụng những thuật ngữ trung tính để phần lớn độc giả có thể tiếp cận được. Cuốn sách bao gồm 10 chương, được viết theo bố cục “hỏi -đáp” vì cuốn sách là tổng hợp từ những câu trả lời cho những câu hỏi của nhiều người trong những khoá hội thảo, lớp thiền hay các buổi tham vấn riêng.

Các đoạn đối đáp đan xen nhau theo 2 mức độ khác biệt:

Mức độ 1: Những sai lầm căn bản trong nội tâm

Theo tác giả, sai lầm lớn nhất là chúng ta thường đồng hoá chính mình với “trí năng” – là những suy nghĩ miên man, những cảm giác sợ hãi, buồn bã, lo lắng,…không chủ đích ở trong đầu mình. Khi bị đồng hoá với trí năng, ta sẽ đuổi bắt, chạy theo và dễ bị sai khiến bởi chúng và do đó, chúng ta luôn phản ứng lại với những gì mà đời sống mang lại, kể cả điều như ý và bất như ý.

Nỗi khổ mà ta tạo ra ở hiện tại có nguyên nhân từ thái độ không chấp nhận hoặc chống đối một cái gì đó đang hiện diện trong đời sống của bạn. Đau khổ ở đây là những cảm xúc tiêu cực như tức giận, thù ghét, cao ngạo, ghen ghét, đố kỵ, buồn bã, lo lắng,…cho dù một cơn giận nhỏ cũng là một hình thức của khổ đau. Chúng là nguyên nhân sâu xa cho những bệnh tật và dằn vặt tinh thần ở trong ta. Mọi thú vui tạm bợ hay những cảm giác cao độ mà chúng ta thường tìm kiếm đều ẩn chứa những mầm mồng của khổ đau và sự đối nghịch.

Loài người có khả năng phân tích và suy nghĩ, đó dường như là một “đặc ân” để con người sống, sinh hoạt và tiến hành nhiều hoạt động mang tính thực tiễn trên trái đất. Tuy nhiên, chúng ta lại không biết cách “tắt” những luồng suy tưởng, suy nghĩ tuôn chảy không ngừng để tâm trí có những khoảng nghỉ ngơi cần thiết. Chúng ta đã đi tới mức độ bị quá khứ, tương lai và trí năng quản chế, do đó ta mới chịu khổ đau và ưu phiền.

Mức độ 2: Cách chuyển hoá nội tâm là hãy luôn an trú ở hiện tại

Hầu hết loài người chúng ta luôn sống trong quá khứ hoặc phóng tâm vào tương lai mà bỏ quên giây phút hiện tại. Theo tác giả, quá khứ chỉ là dấu vết của ký ức, còn tương lai chỉ là dự phóng, là sự tưởng tượng của chúng ta. Thời gian duy nhất mà chúng ta có chỉ là “giây phút hiện tại” – khoảng không gian mà ở đó mọi thứ trong đời sống của chúng ta được phơi bày.

Việc an trú, “bám rễ” trong phút giây hiện tại sẽ giúp chúng ta nhận diện được những “chiêu thức” của tâm trí. “Chiêu thức” phổ biến nhất chính là sự phản kháng mỗi khi ta gặp chuyện không vừa ý, thể hiện qua thái độ giận dữ, tuyệt vọng, bối rối, than vãn, phàn nàn, chống đối,… Những phản ứng này mang tính rập khuôn và lâu ngày đã tạo nên rãnh mòn trong ý thức của chúng ta.

Cuộc sống vốn dĩ luôn có khó khăn và trắc trở. Cũng chính vì vậy mà ta lại càng cần chú tâm vào phút giây hiện tại. Điều này không có nghĩa là chúng ta yếu đuối hay nhụt chí mà bởi khi chấp nhận hiện tại, những lối mòn rập khuôn đã kể trên sẽ không còn đủ sức mạnh để lôi kéo chúng ta phản ứng lại. Thay vào đó, chúng ta có đủ sự sáng suốt, tỉnh táo và hiểu biết để dần vượt qua nghịch cảnh và vượt lên hai đối cực sướng – khổ để sống trong trạng thái an lạc thực sự.

Chìa khoá đi vào chiều sâu tâm linh

Khả năng chuyển hoá sâu sắc trong tâm thức của mỗi người là khả năng có sẵn, ngay lúc này, ở hiện tại chứ không phải là trong tương lai xa vời. Eckhart Tolle sẽ hướng dẫn bạn cách thức giải thoát chính bạn ra khỏi sự không chế của trí năng để đạt được trạng thái tỉnh thức và duy trì trạng thái ấy trong đời sống hàng ngày. Sống ở hiện tại là cách sống duy nhất giúp bạn đạt được trạng thái này, hay nói cách khác đây chính là chìa khoá đi vào chiều sâu tâm linh trong bạn.

Nội dung dưới đây là mình tóm tắt những đoạn quan trọng trong sách, cũng là một cách để nhắc mình thực tập theo các bước mà tác giả đã chỉ dẫn.

Luôn quan sát chính mình và có mặt như một chứng nhân

Hãy tập cho mình thói quen thường xuyên theo dõi trạng thái tình cảm và lý trý bằng cách tự quan sát mình. Khi bạn bắt gặp chính mình đang chìm trong dòng suy tưởng, miên man không chủ đích thì hãy lắng nghe, quan sát tiếng nói đang vang vọng trong đầu ấy một cách tỉnh táo, sáng suốt với một tấm lòng vô tư, rộng mở, không phán xét, chê bai hay lên án những gì bạn đang nghe.

Tập cho mình thói quen thường xuyên tự hỏi mình rằng “nội tâm của tôi đang như thế nào?, suy nghĩ, cảm xúc gì đang có có mặt trong tôi lúc này”. Nên nhớ là chỉ quan sát thôi chứ không phân tích gì cả.

Nhận biết được tâm trạng của chính mình trong phút giây hiện tại cũng chính là bước đầu tiên trên con đường thoát khổ, mà Đức Phật gọi là tỉnh thức.

Bạn có thể thực tập điều này trong đời sống hàng ngày như sau: khi làm bất kỳ công việc gì thì hãy làm với tất cả sự chú tâm, khiến việc ấy trở thành mục tiêu thu hút mọi giác quan của bạn. Ví dụ, mỗi khi bạn đi lên, đi xuống cầu thang, bạn hãy tập chú ý đến mỗi bước chân, mỗi động tác và chú ý luôn cả hơi thở của mình.

Chấp nhận vô điều kiện những gì đang xảy ra ở hiện tại

Chấp nhận vô điều kiện không phải là sự yếu đuối mà thực sự là một sức mạnh lớn lao. Nếu bạn đang có một phản ứng tiêu cực nào đó, hãy chấp nhận nó vì bạn chưa đủ tỉnh thức để chọn lựa. Nếu thực sự bạn “có” chọn lựa, hãy nhận biết là bạn có sự chọn lựa, bạn sẽ chọn đau khổ hay vui, dễ chịu hay khó chịu, an lạc hay mâu thuẫn? Sự chấp nhận chân thật sẽ chuyển hoá những tình cảm tiêu cực đó ngay.

Nếu bạn nhận thấy hoàn cảnh của mình bây giờ và ở đây vượt quá sức chịu đựng và làm cho bạn đau khổ, bạn có 3 giải pháp: rời khỏi đó, thay đổi tình trạng hay chấp nhận tình trạng đó vô điều kiện. Nếu đã chọn, hãy chấp nhận mọi hậu quả cho lựa chọn đó. Không viện cớ. Không tiêu cực. Không xả rác hay làm ô nhiễm lòng mình. Hãy giữ cho không gian bên trong tâm bạn được trong sáng.

Tập trung sự chú ý của bạn vào cơ thể bên trong

Công việc cơ bản nhất của cuộc hành trình tâm linh là đưa sự chú ý của bạn ra khỏi những suy nghĩ và hướng nó vào bên trong thân thể, nói một cách khác là “an trú trong thân thể mình”.

Một cách thực tập hiệu quả nhất là nhắm mắt lại và hướng sự chú ý của mình vào thân thể và cảm nhận từ bên trong. Bạn có cảm nhận được năng lượng trong mình? có sự sống trong hai cánh tay, bàn tay, bàn chân, trong bụng và ngực không? Hãy chú ý đến tất cả những gì mình có thể cảm nhận được, đó có thể là cảm giác tê ở đầu ngón chân, ngón tay,…Chỉ cảm nhận và chú tâm trong yên lặng mà không phê phán, chỉ trích những cảm xúc tiêu cực trong mình.

Trong đời sống, đừng dồn hết sự chú tâm của bạn vào thế giới bên ngoài và cho suy tư mà hãy giữ lại một ít ở bên trong. Hãy cảm nhận cơ thể bên trong ngay khi bạn đang tham gia các hoạt động thường nhật, đặc biệt là trong các mối quan hệ giao tiếp cũng như khi liên hệ với thiên nhiên.

Càng chú tâm vào cơ thể bên trong của bạn chừng nào thì tần số rung của nó cảng được khuyếch đại hơn, tựa như bóng đèn khi chỉnh độ sáng lên. Ở cấp độ năng lượng cao này, những thái độ tiêu cực không còn ảnh hưởng đến bạn nữa và bạn có khuynh hướng mới tích cực hơn.

Thực tập hơi thở có ý thức

Đây là phương pháp thiền quán đơn giản, dễ thực hiện nhưng có công năng rất mạnh giúp làm tăng hệ miễn dịch của bạn.

Khi có vài phút thư giãn, đặc biệt là ban đêm trước khi ngủ hoặc buổi sáng trước khi ra khỏi giường thì hãy thực tập bài tập này

  • Nhắm mắt lại.
  • Nằm ngửa, duỗi thẳng người.
  • Chọn một phần nào đó trên cơ thể để giữ sự chú tâm của mình trong một thời gian như: tay, bàn chân, cánh tay, cẳng chân, bụng, ngực,…
  • Hãy cảm nhận năng lượng của sự sống trong những phần đó càng mạnh càng tốt. Duy trì sự chú tâm khoảng 15 giây và sau đó hãy để sự chú tâm của bạn lan đi khắp cơ thể, như một ngọn sóng, trong một vài lần, từ chân lên đầu và ngược lại. Động tác này mất khoảng chừng một phút.
  • Nếu thỉnh thoảng lý trí đưa sự chú ý của bạn ra khỏi cơ thể hay bị cuốn theo vài ý tưởng nào đó thì cũng đừng quá quan tâm. Khi nào bạn nhận ra điều này, thì bạn hãy đưa sự chú tâm của mình trở về lại trong cơ thể mình.

Lời kết

Sau khi hoàn thành bài viết này, cũng là lúc đọc lại sách thêm một lần nữa thì mình dần nhận ra rằng sống ở hiện tại là một cách sống vô cùng đớn đau, khó khăn, đòi hỏi nhiều sự nỗ lực và tỉnh thức trong từng phút giây. Nó đớn đau bởi mình luôn tìm cách chối bỏ hiện tại vì nỗi sợ mơ hồ rằng mình trở thành người vô cảm với nỗi đau, cụ thể ở đây là nỗi hối hận, dày vò bản thân vì sự tắc trách của chính mình. Mình đã không cho phép bản thân phải học cách tha thứ cho chính mình, thay vào đó mình đã sống trong sự dày vò và nước mắt.

Tuy nhiên, mình tin rằng ai trong chúng ta đều có thể thực hành được và đạt đến trạng thái an nhiên, tự tại từ sâu trong nội tâm dù chỉ là trong vài khoảnh khắc ngắn ngủi nào đó. Chúng mình cùng học cách duy trì và kéo dài trạng thái sống tuyệt đẹp ấy qua cuốn sách “sức mạnh của hiện tại” này nhé.

Đây là Blog cá nhân, đồng thời cũng là "nơi làm việc" của Kim - Freelance Content Writer. Kim nhận viết bài PR và sản xuất hệ thống nội dung bài bản, chuẩn SEO cho website đa dạng lĩnh vực. Cảm ơn bạn đã dành thời gian ghé thăm Blog của Kim.