“Tiếp thị 4.0 – dịch chuyển từ truyền thống sang công nghệ số” là một quyển sách hướng dẫn người làm marketing thời 4.0 thực hiện những phương pháp tiếp thị tạo ảnh hưởng đến khách hàng trong suốt hành trình mua hàng cuả họ. Từ “những xu hướng cơ bản định hình tiếp thị” đến “những mô hình mới cho tiếp thị trong nền kinh tế số” và cuối cùng là “các chiến thuật tiếp thị áp dụng trong nền kinh tế số”, “tiếp thị 4.0” rất hữu ích cho những marketer đang phải “vật lộn” tìm cách thích nghi và dịch chuyển cùng với môi trường tiếp thị số đang phát triển quá nhanh chóng hiện nay.
Về tác giả của “Tiếp thị 4.0 – dịch chuyển từ truyền thống sang công nghệ số”
- “Tiếp thị 4.0 – dịch chuyển từ truyền thống sang công nghệ số”
Philp Kotler – một cái tên “lẫy lừng” trong thế giới marketing, chính là tác giả của quyển sách này.
Theo Wikipedia, “Philip Kotler là giáo sư marketing nổi tiếng thế giới; “cha đẻ” của marketing hiện đại, được xem là huyền thoại duy nhất về marketing, ông tổ của tiếp thị hiện đại thế giới, một trong bốn “Nhà quản trị vĩ đại nhất mọi thời đại” cùng với Peter Drucker, Jack Welch và Bill Gates (theo bình chọn của Financial Times).”
Các quyển sách của ông hầu hết đều mang tính học thuật nhưng cũng kèm theo các ví dụ minh hoạ thực tế từ kinh nghiệm làm việc của chính ông. “Tiếp thị 4.0” là một trong những cuốn cẩm nang rất hữu ích mà trong đó ông bàn luận sâu về cách thức dịch chuyển từ tiếp thị truyền thống sang tiếp thị số. Sự dịch chuyển này là điều tất yếu của thời đại nên buộc các marketer phải học cách thích ứng và dịch chuyển theo, nếu không họ sẽ bị “bỏ rơi” trên con đường sự nghiệp của mình bởi nghành tiếp thị là ngành rất năng động.
03 nội dung quan trọng của “tiếp thị 4.0”
- 03 nội dung quan trọng của “tiếp thị 4.0”
Phương pháp tiếp thị 4.0 chú trọng vào hành vi con người trong thời đại số và ngành tiếp thị nên thích nghi với bản chất thay đổi của hành vi khách hàng ở thời đại này. Vai trò của người làm tiếp thị là dẫn dắt khách hàng trong suốt hành trình đi từ nhận biết thương hiệu cho đến tận cùng là ủng hộ thương hiệu của mình bằng cách nhân cách hoá thương hiệu với các giá trị của con người.
Là bởi trong một thế giới công nghệ cao, khách hàng có ít thời gian nhưng lại có quá nhiều sự lựa chọn nên hành vi của họ cũng thay đổi. Họ cẩn trọng hơn với các hoạt động tiếp thị từ các thương hiệu và có xu hướng tin vào vào các lời khuyên, đánh giá từ từ bạn bè, gia đình, người hâm mộ hay người theo dõi trước khi ra quyết định mua hàng.
Càng tiếp xúc nhiều trong mạng xã hội, con người lại càng mong muốn được tương tác cảm xúc cao, tạo cảm giác như mọi thứ được làm ra cho riêng mình. Vì thế, sản phẩm và dịch vụ càng được cá nhân hoá nhiều hơn và tiếp thị 4.0 phải lấy con người làm trung tâm nhằm “bao phủ mọi ngóc ngách trải nghiệm của khách hàng”.
Với cá nhân mình, mình sẽ review 3 nội dung mà mình nhận thấy là quan trọng trong sách như sau:
- Xác định chân dung khách hàng thời 4.0
- Tìm hiểu về hành trình mua hàng của họ
- Các chiến thuật tiếp thị dựa trên đối tượng khách hàng này.
(1) Khách hàng kết nối – nhân tố của sự dịch chuyển trong “tiếp thị 4.0”
- Khách hàng kết nối – nhân tố của sự dịch chuyển trong “tiếp thị 4.0”
Sự phát triển của internet và các phương tiện truyền thông xã hội chính là nguyên nhân của sự dịch chuyển từ tiếp thị truyền thống sang công nghệ số lấy nhân tố “khách hàng kết nối” làm trung tâm của mọi hoạt động tiếp thị.
Đối tượng khách hàng mới này có đặc điểm trẻ, thành thị, trung lưu cùng khả năng kết nối và di động ở mức cao. Họ sống ở mức nhanh, yêu cầu mọi thứ phải sẵn sàng ngay lập tức và hiệu quả về mặt thời gian.
Họ được kết nối ở một mức rất cao. Khi họ quan tâm đến thông tin nào đó mà họ vô tình thấy, có thể trên tivi, họ sẽ thực hiện tìm kiếm thêm về nó trên mạng internet, nghiên cứu giá cả và chất lượng thông qua các đánh giá từ người mua trước, từ website, mạng xã hội, trang thương mại điện tử. Họ cũng rất thích được trải nghiệm mua hàng thực tế sau khi đã tra cứu thông tin trên inernet bằng nhiều hình thức.
(2) Hành trình khách hàng mới – hiểu đúng để tiếp thị đúng
- “Tiếp thị 4.0” hiểu về hành trình khách hàng mới để tiếp thị đúng
Trong nền kinh tế số, hành trình khách hàng đã được Philop Kotler định nghĩa lại theo mô hình 5A:
- Awareness – Nhận biết
- Appeal – Chú ý
- Ask – Hỏi
- Action – Hành động
- Advocate – Ủng hộ
Mô hình này phản ánh khả năng kết nối giữa các khách hàng. Họ dễ dàng kết nối với nhau, xây dựng mối quan hệ theo kiểu “tìm-hiểu-và-ủng-hộ”. Họ có nhiều mối quan hệ trên mạng để kết nối và cùng tìm hiểu về thông tin nào đó. Tuỳ vào mức độ thông tin trong các cuộc thảo luận này sẽ làm cho việc kết nối này ảnh hưởng tốt hay xấu đến sự thu hút ban đầu của thương hiệu.
Trong thời đại kết nối, nhiều quyết định có vẻ mang tính cá nhân nhưng thực ra lại bị chi phối bởi xã hội. Điều này thể hiện rõ nhất ở giai đoạn “tìm hiểu” dựa trên mối quan hệ “tìm-hiểu-và-ủng-hộ” đã đề cập ở phần trên.
- “Tiếp thị 4.0” giúp bạn hiểu rõ hơn về hành trình khách hàng
Ở giai đoạn”hành động”, hành động ở đây không chỉ giới hạn ở việc mua hàng mà còn ở sự tương tác của họ qua quá trình tiêu thụ, sử dụng cũng như trải nghiệm các dịch vụ hậu mãi.
Sự trải nghiệm tốt sẽ thúc đẩy sự ủng hộ – bước cuối cùng của hành trình mua hàng. Sự ủng hộ này được thể hiện qua nhiều hình thức, như tiếp tục mua hàng, giới thiệu ngẫu nhiên cho người khác dù không được yêu cầu.
Mô hình 5A này không phải lúc này cũng hoạt động theo đường thẳng, đôi khi nó sẽ đi theo đường xoắn ốc, nghĩa là khách hàng có thể bỏ qua một một giai đoạn nào đó trên hành trình mua hàng. Hoặc họ có thể quay ngược lại giai đoạn nào đó và tạo ra vòng lặp phản hồi.
Xuyên suốt nội dung sách, tác giả sẽ đề cập xen kẽ hành trình khách hàng nhằm giải thích cho những phương pháp tiếp thị 4.0 mà các nhà tiếp thị cần phải làm. Sự hiểu biết về đối tượng tiếp thị và môi trường tiếp thị là nền tảng vững chắc để các nhà tiếp thị biết cách tạo ra những kết nối có ý nghĩa với khách hàng trong suốt hành trình từ “nhận biết” đến “ủng hộ”.
(3) Các chiến thuật tiếp thị 4.0
- Các chiến thuật tiếp thị 4.0
Dựa trên đặc điểm và hành trình của “khách hàng kết nối”, tiếp thị 4.0 phải tạo ra khả năng kết nối linh hoạt nhằm phá vỡ các nghịch lý nảy sinh giữa tương tác trực tuyến với tương tác ngoại tuyến, khách hàng có thông tin và khách hàng bị phân tâm, giữa sự ủng hộ tiêu cực và ủng hộ tích cực.
Một số chiến thuật tiếp thị mà philp Kotler đưa ra như sau:
- Tiếp thị lấy con người làm trung tâm nhằm xây dựng sự thu hút thương hiệu. Chiến thuật này giúp nhà tiếp thị hiểu được những lo lắng và ao ước tiềm ẩn của khách hàng, từ đó xây dựng thương hiệu trở nên “con người” hơn.
- Tiếp thị nội dung nhằm tạo sự tò mò đối với thương hiệu. Cung cấp nội dung có giá trị cho khách hàng, xây dựng các câu chuyện về thương hiệu và cách triển khai chiến lược tiếp thị nội dung hiệu quả.
- Tiếp thị đa kênh để thúc đẩy cam kết của khách hàng đối với thương hiệu. Phần này giúp doanh nghiệp tìm ra những điểm tiếp xúc với khách hàng và kênh quan trọng nhất đối với doanh nghiệp.
- Tiếp thị gắn kết để tăng cường mức độ quan hệ thương hiệu. Phần này sẽ đề cập đến việc khai thác sức mạnh của ứng dụng di động, quản lý quan hệ khách hàng trên mạng xã hội và trò chơi điện tử ứng dụng hoá.
Để triển khai tốt các chiến thuật này, Philip Kotler đã đưa ra một số mô hình, công cụ, hình mẫu và những chỉ số đo lường mà các nhà tiếp thị 4.0 có thể áp dụng.
- Tiếp thị 4.0 – Mô hình Ozone
Mô hình Ozone – một công cụ giúp người tiếp thị tối ưu hoá các nỗ lực tiếp thị của mình. Mô hình này được xây dựng dựa trên hành trình khách hàng, khi mà quyết định của họ trong mô hình 5A thường bị tác động bởi sự ảnh hưởng của bản thân, của người khác và từ bên ngoài. Việc xác định rõ tầm quan trọng của từng loại ảnh hưởng này ở mỗi giai đoạn, họ sẽ có thể quyết định nên chọn loại hoạt động nào.
Bằng việc phân tích rất kỹ hai chỉ số “tỷ lệ hành vi mua hàng”(PAR) và “tỷ lệ ủng hộ thương hiệu” (BAR), Philop Kotler đã hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng hai chỉ số này để đo lường hiệu quả của các hoạt động tiếp thị và tạo ra các cuộc thảo luận của các khách hàng ủng hộ thương hiệu nhằm thúc đẩy nhận biết mà không cần phải tăng đáng kể ngân sách tiếp thị.
- Tiếp thị 4.0 phân tích rõ từng chỉ số và hình mẫu ngành tiếp thị
Một số hình mẫu ngành và cách áp dụng tốt nhất để bạn có thể mô tả đúng nhất ngành của mình và tìm cơ hội để cải thiện công việc kinh doanh, như hình mẫu dạng nắm cửa, dạng cá vàng, dạng kèm trumpet, dạng hình phễu, dạng hình chiếc nơ.
Lời kết về sách “tiếp thị 4.0”
Sách thiên về học thuật, sử dụng nhiều thuật ngữ trong ngành tiếp thị nên có thể sẽ khó hiểu đối với một số bạn mới bước chân vào ngành tiếp thị hay chỉ là “dân tay ngang” như mình. Thú thật với bạn, bản thân mình khi đọc sách lần đầu tiên cũng cảm thấy “nặng nề” vì quá nhiều lý thuyết được Philip Kotler đề cập đến trong khi khả năng hiểu biết của mình lúc đó còn hạn hẹp. Đọc sách thêm lần thứ hai thì thì mình đã hiểu thêm được một chút nữa và vẫn trong tình trạng còn điều gì đó lấn cấn trong lòng.
Có một điều mình chắc chắn rằng sách rất hữu ích, cung cấp cho mình nhiều kiến thức quan trọng về tiếp thị 4.0 và dù vẫn chưa thực sự hiểu rõ toàn bộ nội dung sách nhưng mình sẽ đọc lại thêm nhiều lần nữa trong tương lai hoặc mỗi khi cần tư liệu tham khảo trong quá trình làm việc. Hi vọng review này giúp bạn có động lực để tìm đọc sách.
Một số quyển sách rất hay khác về chủ đề content marketing như “làm bạn với hình, làm tình với chữ“, “thôi miên bằng ngôn từ” hoặc “content hay nói thay nước bọt” cũng đã được Kim review. Bạn tìm đọc thêm tại chuyên mục REVIEW SÁCH HAY nha.
Cảm ơn bạn đã truy cập vào website và đọc bài viết này (^.^)