Trong kinh doanh, quảng cáo thường là nguyên nhân sâu xa cho mọi thương vụ thành hay bại. Với người làm content marketing, một bài quảng cáo có tỷ lệ chuyển đổi cao chính là mục tiêu cao nhất mà họ cần đạt được. Vậy viết quảng cáo có khó không và cần phải trang bị những gì để viết nên những mẩu quảng cáo mà người đọc chỉ muốn “nhấp chuột” vào để tìm hiểu thêm ? Trong bài viết này, mình xin mạn phép chia sẻ một số kiến thức lẫn kinh nghiệm mình học được từ nhiều nguồn và tự trải nghiệm trong quá trình làm việc.

Thái độ đúng khi viết quảng cáo (nghề quảng cáo)

Rõ ràng, quảng cáo là để bán được sản phẩm và thúc đẩy doanh số bán hàng chứ không phải chỉ mong nhận được những lời khen tặng nghe cho vui. Áp lực của đa số người làm trong ngành quảng cáo là phải góp phần sinh lời cho công ty nhằm đảm bảo miếng cơm manh áo của chính mình nhưng đồng thời cũng phải làm sao đó để không mang tiếng “quảng cáo chỉ là nói láo”.

Thế nên, xây dựng một “thái độ đúng” trong quảng cáo là việc rất quan trọng cho bất cứ copywriter nào. Với mình, hơn tất cả mọi quảng cáo to tát có thể thực hiện bằng tiền thì sự uy tín và tử tế trong kinh doanh mới là thước đo cho giá trị của công ty và chính bạn.

Vậy, thái độ đúng trong nghề quảng cáo cụ thể là gì ?

Thứ nhất, chính là thái độ đối với công việc mình làm, là sự quyết tâm không thoả hiệp, là sự quan sát và thấu hiểu nghề nghiệp mình đang làm đến từng chi tiết, là sự khẳng định “sứ mệnh” của bài quảng cáo: Phải kiếm ra tiền.

Thứ hai, là thái độ khiêm tốn và giữ đạo đức nghề nghệp. Những người khiêm tốn thường “biết người biết ta”, biết đánh giá bản thân một cách chừng mực và hợp lý. Nghề quảng cáo đôi khi cạnh tranh đến mức “tàn nhẫn” và không có một công thức chung nào có thể áp dụng cho mọi trường hợp. Vì thế, việc biết những gì nên làm hoặc không nên làm là rất quan trọng, điều này thuộc về phạm trù đạo đức nghề nghiệp.

Thứ ba, là không ngừng học hỏi với một thái độ cầu tiến và tò mò về mọi thứ. Có thể nói thói quen nghi ngờ, tò mò tích cực là động lực lớn để nhà quảng cáo không ngừng hoàn thiện bản thân mình. Còn tinh thần cầu tiến sẽ giúp họ hình thành được tư duy phê phán và phân tích tình hình một cách sáng suốt, đúng mực.

Hơn nữa, một thực tế mà bạn phải chấp nhận rằng vẫn luôn có những khách hàng cương quyết không mua sản phẩm bất kể bạn viết hay thuyết phục cỡ nào đi chăng nữa, hoặc quảng cáo của bạn sẽ không nhận được tỷ lệ phản hồi như kỳ vọng. Do vậy, đừng sớm nản chí mà hãy cho mình thêm nhiều cơ hội được học hỏi và cải thiện.

Thế nào là một bài “quảng cáo hay”?

Quảng cáo cũng chỉ là một mắt xích trong chuỗi bán hàng, từ khâu sản xuất cho đến marketing. Một quảng cáo tồi không thể cứu vãn những sai lầm trong khâu phân phối nhưng một quảng cáo tốt có thể làm nên những “kỳ tích” như giúp việc bán hàng “đắt như tôm tươi” dù các khâu khác ngoài quảng cáo chưa tốt.

Một bài quảng cáo được viết ra không chỉ để độc giả đọc say mê và tin vào sản phẩm mà còn phải làm cho họ mua ngay sản phẩm hoặc dịch vụ đang được quảng cáo đó. Vậy nên, quảng cáo là để giải đáp những gì khách hàng đang tìm kiếm và câu trả lời là nằm ở ngay sản phẩm mà bạn đang bán.

Theo mình, một bài quảng cáo hay sẽ có độ dài lý tưởng, nội dung chặt chẽ, cuốn hút độc giả và mang lại hiệu quả về mặt lợi nhuận.

Để viết được một bài quảng cáo hay, ngoài có thái độ đúng như mình đã đề cập ở phần trên thì bạn cần viết theo công thức 5 bước. Đây là công thức đã được rất nhiều những bậc thầy quảng cáo khuyên người viết quảng cáo nên sử dụng. Đó là:

  1. Gây sự chú ý (“nhiệm vụ” của tiêu đề quảng cáo)
  2. Trình bày lợi ích sản phẩm
  3. Chứng minh
  4. Thuyết phục người đọc
  5. Kêu gọi hành động

Đọc thêm:

Viết bài giới thiệu sản phẩm [Cách viết tăng tỷ lệ chuyển đổi]

Nên viết quảng cáo dài hay ngắn?

Đây là câu hỏi kinh điển trong ngành quảng cáo và không dễ có câu trả lời. Một bài viết quảng cáo hay phải đảm bảo trải qua quy trình 5 bước như trên nhưng cũng phải hoà hợp với các khâu khác trong toàn bộ quy trình viết quảng cáo.

Và độ dài của bài quảng cáo không quyết định việc khách hàng có đọc hết bài hay không.

Ta phải thừa nhận rằng, nếu quảng cáo được nhiều người đọc và giữ chân họ càng lâu thì cơ hội bán hàng của bạn càng lớn. Vậy điều bạn cần làm là phải hiểu thật tường tận độc giả mục tiêu của mình để viết bài quảng cáo có độ dài “chuẩn” mà vẫn thu hút.

Độc giả “lý tưởng” nhất là người nằm trong thị trường bạn nhắm đến, họ dễ bị thuyết phục, ít quan tâm đến đối thủ cạnh tranh của bạn, hành động quyết đoán và dứt khoát. Nhưng theo kinh nghiệm của nhiều nhà quảng cáo thì đối tượng độc giả này chiếm tỉ lệ rất ít.

Còn lại, chiếm phần lớn là đối tượng “khó bị thuyết phục”. Họ quan tâm nửa vời, thận trọng và cân nhắc kỹ càng trong chi tiêu, thích so sánh và đánh giá các sản phẩm với nhau và hay chần chừ, trì hoãn trong việc mua hàng. Để duy trì sự chú ý của lượng độc giả này là rất khó và thực tế đã chứng minh, không có nhiều bài quảng cáo ngắn gọn có thể khiến họ hành động ngay lập tức.

Như vậy, nếu bài quảng cáo của bạn giữ chân họ càng lâu bao nhiêu thì bạn càng có nhiều cơ hội để thuyết phục họ mua sản phẩm của bạn bấy nhiêu. Nếu không, họ sẽ bỏ đi giữa chừng và bạn mất cơ hội quảng bá chính mình.

Do đó, bài quảng cáo của bạn phải thu hút được họ. Những gì liên quan đến bản thân và gia đình họ, có lợi cho cuộc sống và mối quan hệ thân thiết của họ chính là những điều làm cho họ bị thu hút.

Đọc thêm: Cách viết bài bán hàng thu hút – 2 công thức “kinh điển” trong content marketing

Bài quảng cáo nêu nhiều càng nhiều lợi ích cho độc giả thì họ sẽ đọc chăm chú hơn. Và chính yêu cầu phải nêu thật nhiều lợi ích này đã ủng hộ quan điểm bài quảng cáo dài sẽ thuyết phục hơn bài quảng cáo ngắn. Nếu xem xét độ dài của bài quảng cáo trên cơ sở số lượng văn bản hay số lượng từ trong đó thì cá nhân của mình thích viết các bài dài, từ 800 – 1000 từ trở lên.

Vậy đâu là nhân tố để xác định độ dài lí tưởng của một bài quảng cáo ? Khi nào thì nên viết ngắn, khi nào nên viết dài ?

Không có câu trả lời tuyệt đối. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể dựa vào một số tiêu chí sau và cân nhăc cho bài quảng cáo của mình sẽ có độ dài bao nhiêu là hợp lý.

  1. Thể loại sản phẩm hoặc dịch vụ và tính cạnh tranh của nó
  2. Mục tiêu của bài quảng cáo
  3. Giá cả của sản phẩm
  4. Kích cỡ của bài quảng cáo
  5. Địa điểm, vị trí của bài quảng cáo
  6. Đối tượng khách hàng mục tiêu
  7. Hình thức của bài quảng cáo
  8. Yêu cầu từ phía đối tác

Lời kết

Bài viết này mình vẫn chưa viết hết những gì liên quan đến bài quảng cáo. Tuy nhiên, mình sẽ cập nhật nó sớm nhất có thể. Một điều nữa là ở đây mình sẽ không đi vào hướng dẫn chi tiết cách viết một bài quảng cáo hay. Thay vào đó mình sẽ chia nhỏ chủ đề này thành nhiều bài viết riêng lẻ, bạn chọn bài viết mình quan tâm và tìm hiểu thêm nhé.