Website bán hàng là một dạng của website thương mại điện tử. Theo quy định của Nhà nước Việt Nam thì “Website thương mại điện tử bán hàng là các trang web do các thương nhân, tổ chức, cá nhân tự thiết lập để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình”. Như vậy, xây dựng nội dung cho bán hàng có khác gì so với các website khác không ? Bạn hãy cùng Kim tìm hiểu nhé. Bạn lưu ý ở bài viết này Kim chỉ bàn về xây dựng nội dung cho website bán hàng online nhỏ lẻ, không phải là sàn thương mại điện tử hoặc website đấu giá, khuyến mãi trực tuyến.
Đặc điểm của website bán hàng trực tuyến
Có thể ví website bán hàng online như là một cửa hàng trực tuyến – là nơi mà người mua và người bán “gặp” nhau trên môi trường internet để tìm hiểu, trao đổi, mua bán hàng hoá, dịch vụ.
Do đó, website bán hàng online có những đặc điểm cơ bản như sau:
- Về hình thức: Đây là mô hình kinh doanh online, là nơi mà người bán và người mua không cần gặp nhau trực tiếp nhưng vẫn có thể thực hiện các giao dịch.
- Về chủ thể tham gia: Các chủ thể tham gia vào hoạt động thương mại điện tử không chỉ có người mua và người bán mà còn có người sở hữu website, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, tổ chức cung cấp hạ tầng… Ngoài ra, trong một số trường hợp có thêm cả cơ quan, tổ chức hoặc thương nhân chứng thực (Điều 24 Nghị định 52/2013/NĐ-CP).
- Doanh nghiệp/chủ sở hữu có toàn quyền kiểm soát website: từ thiết kế, quy trình, tích hợp, tùy chỉnh đến trải nghiệm người dùng,…
- Phạm vi hoạt động: Trên phạm vi toàn cầu. Người dùng có thể truy cập vào website dù đang ở bất cứ đâu, chỉ cần có mạng internet.
- Thời gian hoạt động là không giới hạn. Người dùng có thể truy cập vào website vào bất cứ khung giờ nào.
- Độc lập thực hiện các chiến lược marketing cá nhân hóa: Doanh nghiệp, chủ cửa hàng có thể tự tổ chức và sử dụng dữ liệu của mình để tri ân khách hàng mà không phụ thuộc vào bên thứ ba.
- Khả năng tích hợp, tối ưu: Website thương mại điện tử mã nguồn mở như WordPress với WooCommerce cho phép website tích hợp với các tính năng thanh toán, quản lý đơn hàng, kho hàng và thậm chí tích hợp quản lý với sàn thương mại điện tử.
- Đa dạng hình thức thanh toán: Ngoài thanh toán bằng tiền mặt thì khách hàng có nhiều hình thức thanh toán như qua thẻ ngân hàng, mã QR, chuyển khoản.
Vì sao bạn cần chú trọng xây dựng nội dung cho website bán hàng?
Cũng như mọi website khác, nội dung trang thương mại điện tử tốt có thể giúp giữ chân khách hàng hiện có, thu hút khách hàng tiềm năng và gia tăng cơ hội biến họ thành khách hàng thực sự. Nếu có chiến lược xây dựng và quảng bá nội dung đúng cách thì bạn đã gián tiếp đưa sản phẩm tiếp cận đúng đối tượng khách hàng tiềm năng, là người đang có nhu cầu mua hàng.
Dựa theo hành trình khách hàng, bước cuối cùng của hành trình là khách hàng quyết định thực hiện hành động mua hàng (đặt hàng, để lại thông tin, chuyển khoản,…). Để đạt tới được bước này, người làm nội dung website cũng phải trải qua toàn bộ hành trình của khách hàng để xây dựng chiến lược nội dung chính xác. Từ lúc khách hàng nhận biết vấn đề, tìm kiếm thông tin, cân nhắc giữa nhiều sự lựa chọn đến giai đoạn mua hàng và quay lại ủng hộ.
Do đó, khi nội dung toàn website bám sát vào hành trình mua hàng này thì doanh nghiệp có thêm cơ hội quảng bá sản phẩm, dịch vụ của mình tới khách hàng một cách tự nhiên và thân thiện. Khách hàng sẽ không cảm thấy mình bị làm phiền bởi những quảng cáo “đao to búa lớn” hoặc “bị ép” phải mua hàng. Họ “thong thả” tìm đọc thông tin mà họ quan tâm và khi đúng thời điểm, họ sẽ “chốt đơn”.
Đọc thêm: Cách thực hiện website marketing tiếp cận đúng khách hàng mục tiêu
Lưu ý quan trọng trước khi xây dựng nội dung website bán hàng
Vì là một cửa hàng online nên nội dung của website được viết cho 2 đối tượng chính, đó là người đọc/khách hàng tiềm năng và Google bot.
- Người đọc là những người có nhu cầu tìm hiểu về dịch vụ, sản phẩm mà bạn cung cấp. Họ truy cập vào website và “tham quan” cửa hàng online của bạn bằng cách nhấp chuột chọn xem, đọc những nội dung họ bị thu hút hoặc quan tâm.
- Googlebot (google bot) là con bọ của Google, dùng để thu thập thông tin website, giúp Google cập nhật thêm những chỉ mục mới của website. Nhờ Googlebot, website của bạn mới có thể được biết đến và lưu trữ trên hệ thống dữ liệu của Google.
Vì thế, nội dung của website phải thoả mãn được 2 đối tượng này theo một số tiêu chí cơ bản như:
- Bài viết dễ đọc, dễ hiểu, cung cấp đủ thông tin có giá trị.
- Nội dung đa dạng và được cập nhật thường xuyên, từ bài chuẩn SEO đến bài dịch vụ, tin tức, quảng cáo, v.v….
- Bố cục bài viết rõ ràng và được tối ưu SEO Onpage.
- Hình thức trình bày bài viết thân thiện với người đọc.
- Tốc độ tải trang nhanh, đáp ứng được tiêu chí UX/UI.
Quan điểm của Kim vẫn là phục vụ người đọc trước khi đáp ứng yêu cầu của Googlebot. Nghĩa là bạn phải tạo ra nội dung có giá trị cho người đọc, hiểu được mục đích tìm kiếm của họ là gì để xây dựng nội dung phù hợp với họ.
Vậy làm sao để biết người dùng muốn gì, cần gì để mình đáp ứng chính xác mong muốn ấy? Điều này được thực hiện ở ngay bước phân tích thị trường và nghiên cứu từ khoá. Đây là công việc đầu tiên trước khi bắt tay vào việc xây dựng nội dung toàn website.
Đọc thêm:
- Tối ưu hoá nội dung website – việc của content writer hay của SEOer ?
- Để “nội dung là Vua” có còn đúng hiện nay ?
Chiến lược nội dung cho website bán hàng online
Chiến lược nội dung cho website bán hàng phải bám sát vào hành trình mua hàng của khách hàng, hay nói khác là dựa theo phễu marketing.
Gồm 4 giai đoạn:
Giai đoạn 1 – Nhận thức
Khách hàng nhận thức sự tồn tại của một sản phẩm hay dịch vụ có thể giải quyết được nhu cầu của họ. Loại nội dung mà bạn cần xây dựng ở giai đoạn này là giúp khách hàng thấy được có một giải pháp nào đó cho về vấn đề của họ.
Giai đoạn 2 – Quan tâm
Khách hàng thể hiện sự quan tâm với một sản phẩm vì họ cảm thấy nó có thể giải quyết được vấn đề họ đang gặp phải.
Loại nội dung ở giai đoạn này là nội dung cung cấp thông tin và những lợi ích nổi bật về sản phẩm, dịch vụ mà bạn cung cấp. Bên cạnh đó, bạn khéo léo đưa vào thông điệp định hướng họ rẳng đây chính là sản phẩm mà họ đang tìm kiếm.
Giai đoạn 3 – Mong muốn
Khách hàng thích thú đặc biệt với một thương hiệu hay sản phẩm vì họ đang dần có lòng tin về sản phẩm rằng nó là lựa chọn phù hợp nhất cho điều họ đang tìm kiếm.
Ở giai đoạn này, bạn vẫn tiếp tục cung cấp thông tin rõ ràng về giá cả kèm các điều khoản, chế độ bảo hành và các lợi ích mà khách hàng sẽ nhận được. Hãy khiến khách hàng cảm thấy rằng sản phẩm, dịch vụ của bạn là lựa chọn duy nhất, phù hợp nhất với họ.
Giai đoạn 4 – Hành động
Khách hàng hướng tới mua những sản phẩm được lựa chọn vì họ đã đặt niềm tin vào sản phẩm và doanh nghiệp của bạn. Loại thông tin mà bạn cần cung cấp ở giai đoạn này là hãy kêu gọi họ hành động.
- Nếu khách hàng quyết định không mua hàng, bạn vẫn nên tiếp tục cung cấp những thông tin hữu ích đến họ. Việc này thể hiện thái độ cầu thị của bạn, đồng thời giúp cải thiện độ nhận diện thương hiệu và mở ra cơ hội khách hàng đó sẽ quyết định mua hàng vào lần sau khi họ có nhu cầu.
- Khi khách hàng đã hoàn tất việc mua hàng, bạn không nên coi đó là kết thúc mà hãy tiếp tục triển khai phương án chăm sóc tương tự như với khách hàng mới.
Chiến lược nội dung dựa theo phễu marketing được Kim viết rất rõ trong bài viết này.
Tổ chức hệ thống nội dung trong website bán hàng
Trong website bán hàng trực tuyến, hệ thống nội dung sẽ được tổ chức dựa theo sơ đồ trang web. Nghĩa là có các trang, bài viết riêng lẻ, danh mục sản phẩm và chuyên mục bài viết cho phần Blog/tin tức. Ngoài ra còn có các thông tin khác theo yêu cầu riêng của doanh nghiệp.
Trong bài viết này Kim không bàn đến việc nghiên cứu từ khoá để dựa vào đó bạn có thể phân chia thành các chủ đề theo mô hình SILO hoặc Cluster.
Hệ thống nội dung trong một cửa hàng trực tuyến thường sẽ được tổ chức và xây dựng như sau:
Nội dung về sản phẩm, dịch vụ
Sản phẩm
- Sản phẩm đặc biệt của cửa hàng (nếu có)
- Chương trình khuyến mãi, quà tặng
- Sản phẩm ấn tượng với mẫu mã đẹp mắt, thông tin sản phẩm rõ ràng
- Tìm kiếm sản phẩm đơn giản và nhanh chóng
-
Sản phẩm liên quan.
Giá cả
Việc cạnh tranh về giá rất khốc liệt vì ngày nay khách hàng rất dễ dàng tìm thấy sản phẩm tương tự của bạn ở các trang web khác. Do đó bạn cần cân nhắc công khai giá và so sánh với đối thủ khi bạn thật sự có ưu thế về giá.
- Đảm bảo giá cả của bạn cạnh tranh. Nên duy trì không quá đắt và không quá rẻ.
- Cung cấp rõ thông tin sản phẩm và chế độ ưu đãi khi mua sản phẩm đó.
- Cung cấp thông tin về cách sử dụng sản phẩm, bảo trì sản phẩm, vận hành và sửa chưa sản phẩm ( nếu có)
Đọc thêm:
- Cách viết bài sản phẩm hay khiến người mua “chốt đơn liền tay”
- Công thức viết content và tư duy đúng khi viết bài bán hàng
Dịch vụ chăm sóc khách hàng
Dịch vụ hỗ trợ, tư vấn khách hàng là rất cần thiết và đôi khi bắt buộc đối với website thương mại điện tử. Bạn cần phải có đa dạng các thông tin hỗ trợ khách hàng và thể hiện nó trên website của mình như:
- Tư vấn trực tiếp qua Zalo, messenger, Skype hoặc các ứng dụng trò chuyện ngay trên website.
- Tư vấn qua điện thoại (số di động và số bàn)
- Địa chỉ email.
- Địa chỉ văn phòng.
Ngoài ra, bạn cần phải có các nội dung sau để hỗ trợ khác hàng nhanh chóng và thuận tiện nhất:
- Trang hỏi đáp với những lời giải chi tiết các thắc mắc thường gặp của khách hàng.
- Hướng dẫn cách bảo quản, sử dụng sản phẩm là tạo ra sự khác biệt giữa website của bạn và đối thủ.
Nội dung về doanh nghiệp
Bạn cần thể hiện thông tin doanh nghiệp thật rõ ràng để tạo niềm tin cho khách hàng.
- Liên hệ đường dây nóng: Số điện thoại, ứng dụng trò chuyện
- Địa chỉ liên hệ và cách liên hệ
- Số fax
- Các chế độ bảo hành và đổi trả sản phẩm
- Các thông tin khác
Nội dung chính sách bán hàng, giao hàng và bảo hành sản phẩm
Chính sách bán hàng thể hiện uy tín của cửa hàng và cũng giúp khách hàng yên tâm khi quyết định chọn mua sản phẩm. Các trang chính sách cần thiết phải có như sau:
- Chính sách giao hàng
- Chính sách bảo hành sản phẩm
- Chế độ đổi trả sản phẩm
Nội dung chuyên mục Blog
Blog là nơi bạn cung cấp giải pháp cho khách hàng thông qua các bài viết giải quyết vấn đề mà khách hàng đang gặp phải trong thị trường của bạn.
Các bài viết thường không trực tiếp quảng bá sản phẩm hay dịch vụ mà tập trung vào cung cấp giải pháp. Vì thế, Blog có thể giúp thu hút lượng truy cập và tạo ra sự chuyển đổi tự nhiên vì hệ thống nội dung được tổ chức theo sát hành trình mua hàng của khách hàng.
Để tìm được ý tưởng cho các bài viết ở chuyên mục này, bạn cần dựa vào bảng từ khoá đã được chuẩn bị trước đó. Thông thường, toàn bộ các bài viết đều là bài chuẩn SEO và được tối ưu SEO Onpage kỹ lưỡng.
Đây được xem là chuyên mục thu hút lượng truy cập và gia tăng cơ hội chuyển đổi lớn nhất trong website. Vì thế, hầu hết các doanh nghiệp đều đầu tư nghiêm túc vào chuyên mục này. Các đơn vị SEO cũng rất chú trọng xây dựng chuyên mục blog chuẩn SEO khi tiếp nhận các dự án SEO cho doanh nghiệp.
Cảm ơn bạn truy cập Blog của Kim và đọc bài viết này (^.^)